Tuesday, September 16, 2008

Dạt

0 comments

Dạt là một từ mới. Mẹ bảo, từ này mới ngay cả với mẹ. Hồi mẹ bé, người ta chỉ biết dạt với nghĩa là bị xô đẩy theo một hướng nào đó, trôi dạt. Bây giờ, một ai đó bỏ nhà đi lang thang người ta cũng gọi là "dạt nhà". Tóm lại là ai đó mà không ở đúng chỗ, ngủ đúng chỗ của mình thì gọi là dạt, phải vậy không?? Nếu đúng vậy, đêm nào mình cũng dạt. Mà không chỉ mình mình dạt, cả nhà này ai cũng dạt hết, dạt có tổ chức đàng hoàng à.

8 giờ tối, thường thì vào giờ này mình và em đã ngủ say rồi. Nhưng gần đây, mình trằn trọc lắm. Bên phòng ngủ của bố mẹ, cái giường cũng êm hơn, cái chăn cũng ấm hơn. Mùi cà phê của mẹ thơm phưng phức quện với mùi nước trà của bố tạo ra một thứ hấp dẫn đặc biệt. Bố mẹ đang ngồi xem TV cùng nhau hoặc là mỗi người ôm một máy tính vừa làm việc, vừa chát chít với nhau vớ vẩn. Mình rất tò mò muốn biết bố mẹ đang nói gì về tội lỗi mới của mình mà cô giáo mới mách hôm nay. Thực tình, mình chẳng muốn ngủ sớm tí nào. Nhưng nếu mình cứ nằm ở đây và nghe ngóng, chẳng mấy chốc mắt mình sẽ díp lại và mình sẽ ngủ mất. Vậy thì mình cần một lý do để ra ngoài kia. Đầu tiên là mình đi tè này. Nằm một lát mà lại thấy buồn ngủ thì mình sẽ dậy uống nước này. Mẹ lại duổi mình vào sau khi đã thơm mình chút chít một lát (bị mẹ phàn nàn nhưng lại vẫn được mẹ thơm thì mình cố chịu vậy). Không ổn, mình lại buồn ngủ rồi. Mùi hương và câu chuyện ngoài kia vẫn hấp dẫn quá, mình quyết định là mình sẽ "bị tịt mũi". Không nói dối đâu, mũi mình tịt thật mà. Một bên mũi tịt ngắc luôn á. Nhưng nếu mình thực sự muốn ngủ, mình vẫn ngủ được, có điều... Mẹ kêu trời khi thấy mình lại đẩy cửa đi ra. Thế rồi thay vì quay trở lại phòng, mình đi vào phòng mẹ, nằm vào trong đám chăn đệm êm ái thơm tho của bố mẹ. Hôm nào mẹ hiền, mẹ sẽ dỗ mình quay trở lại giường của mình, hoặc bố sẽ bế mình trở lại. Hôm nào "thời tiết xấu", bố sẽ quát khe khẽ và mình đành phụng phịu rút lui. Mình nằm một lát và buồn ngủ lắm. Mình vẫn cố nghe ngóng và tự nhủ, mình sẽ chỉ ngủ một tí thôi. Và...

Dạt 1

Mình mở cửa đi ra khỏi phòng. Lúc này là nửa đêm. Thường thì bố hoặc mẹ hoặc cả hai vẫn đang làm việc. Mình mắt nhắm mắt mở đi tè rồi "mộng du" chui vào giường bố mẹ. Bố hoặc mẹ sẽ đưa mình trở về giường, "kết thúc tốt đẹp chuyến viếng thăm" ngắn ngủi của mình.

Dạt 2

Mình trở mình và phát hiện ra mình đang nằm vắt vẻo qua Crocco. Phòng tối và hơi mát mẻ. Em Sue ngủ với cái mông chổng lên trời. Mình đi ra ngoài tìm chút nước uống và phát hiện ra mẹ ngủ gật trên soffa. TV vẫn còn đang nhấp nháy những bộ phim đêm. Mình chui vào chăn của mẹ và nằm trở đầu đuôi với mẹ. Tuy không êm bằng giường của mẹ, nhưng ấm áp và êm ái lạ, mình thiếp vào trong một giấc mơ vui vẻ.

Dạt 3

Mẹ tỉnh giấc vì một cái gót chân chọc ngay giữa ngực. Hic, thế là mẹ lại xem phim đêm và ngủ quên trên sofa. Kiki đã chui vào đầu kia của cái chăn từ khi nào. Anh chàng cựa mình và tặng mẹ một cái gót chân ngay giữa ngực. Mẹ rón rén dậy, đắp lại chăn cho Kiki và khe khẽ vào phòng với bố.

Dạt 4

Giấc mơ của mẹ bỗng có những tiếng gọi mẹ ơi, mẹ ơi nho nhỏ. Đầu tiên, nó như một tiếng vọng. Rồi nó lớn dần, lớn dần, kèm theo tí thổn thức. KHông phải là mẹ mơ, đó là những tiếng gọi thật. Em Sue tỉnh dậy lúc 4-5h sáng và nhận ra la em rơi mất ti giả. Em cầu cứu mẹ. Mẹ nhón chân vào phòng, tìm cho Sue cái ti giả. Em ngủ ngay nhưng phải ôm cứng lấy tay mẹ. Mẹ buồn ngủ quá. Mẹ không đủ kiên nhẫn để chịu đựng tiếng khóc của em hoặc để bắt em ngủ lại một mình. Nếu em làu nhàu, mẹ đưa em về giường cùng mẹ. Thỉnh thoảng, em ngồi nhỏm dậy, tỉnh như sáo và lần mò đi trong bóng tối từ phòng em sang phòng mẹ luôn. Em nhẹ nhàng luồn vào chăn cùng mẹ, tìm cái tay mẹ, ôm cứng lấy nó và bắt đầu lần sờ. Chỉ tí teo là em ngủ.

Dạt 5

Kiki bị đánh thức bởi tiếng em gọi mẹ hoặc bởi cái gì đó. Anh chàng bỏ rơi cái sofa và chui nốt vào phòng bố mẹ luôn. Giường chật cứng rồi, chẳng còn chỗ nào, anh ta nằm ngay dưới chân bố mẹ.

Dạt 6

Cái giường bỗng trở nên chật chội. Bố muốn vươn vai, duỗi chân một cái nhưng dù bố thử vươn về hướng nào cũng bị vướng vào không mẹ thì hoặc là anh hoặc là em. Mỏi ê ẩm, bố mắt nhắm mắt mở dạt qua phòng của anh em mình. Giướng chiếu giờ trống không. Bố thường nằm ở giường của Sue rồi ngủ ngon lành.


7h sáng, mình tỉnh giấc. Mình thường thức dậy trước tiên và rất ngạc nhiên (nhưng cũng rất sung sướng) khi thấy mình nằm cạnh mẹ. Rõ ràng, đêm qua mình ngủ ở phòng mình cơ mà. Nằm cạnh mẹ ở phía bên kia, em Sue đang ngủ ngon lành cũng bừng mở mắt ra. Hai anh em chào nhau thắm thiết và dắt tay nhau ra phòng khách. Bọn mình đi rất khẽ vì bố mẹ vẫn còn đang ngủ. Mình bật TV xem một chút chương trình trẻ con buổi sáng. Mình nhìn đồng hồ rồi. 15 phút nữa, mình sẽ gọi mẹ dậy giúp mình đánh răng rửa mặt, ăn sáng và chuẩn bị đi học. Thế là hết một đêm, cả nhà ai cũng... dạt.

Mẹ thương Sue không??

0 comments

Em Sue giờ đã biết nói giỏi rồi. Em biết nhiều từ và mỗi khi em nói người ta không còn phải đoán ngược đoán xuôi mới hiểu nữa. Em thường cong cái môi của em lên và hỏi mẹ: "mẹ thương Sue không? Sue ngoan rồi". Thường thì em rất ngoan. Phần lớn thời gian em dành để đọc sách, chơi búp bê và các trò con gái. Phần còn lại, em dành để giành nhau đồ chơi với bạn, với anh, chiến đấu để được sở hữu mẹ hoặc bà Gittan cho riêng mình. Mỗi khi em chưa ngoan, chỉ cần người lớn nghiêm khắc nói với em như thế là không được, em sẽ đứng im ở đó, mạt xụ ra một đống và thỉnh thoảng thì rơi một xô nước mắt. Nhưng mà nhờ thế mà em nghe lời, em không tiếp tục phá nữa, mỗi tội, người ta phải nghe em khóc hơi lâu. Sau một lúc vật vã với tội lỗi của mình, giằng xé tâm can giữa việc khóc tiếp hay nín, phá tiếp hay ngừng, em sẽ bất ngờ nín bặt như chưa từng khóc. Em đã chọn được "con đường sáng" và mẹ sẽ được nghe em cất tiếng cong veo: "mẹ ơi, Sue ngoan rồi. Sue nín. Mẹ có thương Sue không?"

Mẹ thương Sue lắm chứ. Mẹ biết Sue có cá tính và bản lĩnh đầy mình. Mẹ biết Sue muốn thử cái tôi trong tuổi lên hai đầy vật vã này. Mẹ biết hết. Mỗi khi Sue khóc mà mẹ không dỗ, nghĩa là mẹ ngồi từ đằng xa nóng lòng chờ xem đồng hồ xem Sue khóc bao lâu, nghe xem tiếng khóc thống thiết cỡ nào để mẹ tính xem có cần chạy đến chìa cho Sue một vòng tay. Mỗi khi mẹ đồng ý, bật đèn xanh cho anh Kiki "xử" Sue là mẹ phải canh me và thầm cầu trời để anh Kiki nương tay với Sue một tý. Mẹ yêu cái tính đồng bóng và điệu đàng chảy nước của Sue. Mẹ thương cái môi cong cong hay nói những lời nũng nịu của Sue. Mẹ yêu cái sở thích kỳ lạ thích xờ tay mẹ của Sue nữa. Không có cái gì thuộc về Sue mà mẹ lại không thây yêu hết cả.

Anh Kiki cũng hay hỏi mẹ xem mẹ có yêu con không. Mẹ cũng yêu anh Kiki nhiều như thế đấy. Có điều, tình yêu dành cho con trai cũng phải rắn rỏi hơn, thế thôi.

Hờ óc hóc nặng HỌC

0 comments

Thế đấy Học tức là Hóc Nặng. Cái sự học của mình cũng bắt đầu như thế. Mình đã 6 tuổi rồi. Tất cả trẻ con tuổi đó phải đến trường. So với các bạn ở Anh (như bạn Đăng nhà bác Liên ròm chẳng hạn) thì mình còn sướng chán vì mình đi học sướng tỉnh tình tinh. Các bạn ấy 4 tuổi đã biết thế nào là đồng phục và hóc nặng. Mẹ và bố đã bàn nhau về cái sự học của mình từ lâu. Công cuộc tìm kiếm trường sở, chọn thầy chọn bạn cũng bắt đầu từ lâu lâu. Mình cũng đã được đến thăm trường và làm quen với cô giáo ở Thụy Điển. Nhưng giỏi tiếng nước ngoài mấy mà không biết đọc biết viết tiếng nước mình là vứt đi - bố bảo thế. Chính vì thế mà mình được đi học trước các bạn trong lớp, học mùa hè, học một mình với một cô giáo thôi và cả nhà phải bay một chuyến bay dài để phục vụ cái sự học của mình.

Mẹ thừa nhận là không có khả năng sư phạm (cái này mình không hiểu là cái gì, chắc là mẹ không có một cái gì đó quan trọng) nên không thể dạy mình được. Giọng mẹ thường cao dần và nghẹn ngào ở những nốt cao nhất và đó cũng là lúc mình cáu điên lên và khóc cùng - like mother like son - hehe, mẹ nào con đấy, nếu tây nó hiểu. Ngày đầu đưa mình đến trường, mẹ cũng nói trước với cô cái sự khó khăn của hai mẹ con. Mẹ phát hoảng khi cô bảo là mình sẽ chỉ học với cô 2 tiếng rưỡi, mà theo cô, như thế là rất ngắn, vừa sức của những bạn mới bắt đầu. Mẹ để lại cho cô vài số điện thoại khác nhau và dặn đi dặn lại là nếu mình không học được thì cô cứ gọi điện để trả mình "về địa phương". Mình thì thấy học chẳng khó gì là khó. Khó nhất là phải ngồi trật tự nghe cô nói và làm đúng những điều cô bảo. Nhiều khi, mình muốn kể chuyện gì đó hoặc bất chợt thấy có cái gì đó hay hơn mà mình muốn thử làm thay vì làm như cô bảo. Cô và mình cùng nói tiếng Việt nhưng rất nhiều điều mình không hiểu. Nào là ô li, nào là điểm đặt bút, nào là nét sổ, nét hất... tất tần tật đều mới đối với mình. Cô thì thích dạy mình viết luôn chữ nhỏ nhưng mình thì chỉ viết chữ to thôi. Này, mình biết làm toán đấy. Viết chữ nhỏ thì phải viết nhiều hơn chữ to, dại gì cơ chứ. Tính mình thích các thứ phải đẹp ngay nên mình tẩy đi tẩy lại một chữ đến khi nó đèm đẹp như ý mới thôi. Cô giáo thì rất ngạc nhiên khi mình có thể viết đẹp và nhanh bằng tay trái. Trời ạ, tay trái của mình thì khác gì tay phải của cô. Ở nhà trẻ của mình, chẳng ai uốn nắn một đứa trẻ phải ăn bằng tay nào, vẽ bằng tay nào cả. Cứ tay nào xúc nhanh và gọn, tay nào viết đẹp vẽ hay thì ta xài thôi. Buổi học đầu tiên trôi qua rất nhanh. Mình viết hẳn 3 trang làm cho mẹ lé cả mắt khi đến đón. Mẹ đồng ý để cô dạy mình cả toán nữa vì cô bảo nếu chỉ học đọc và viết thì mình chán rất nhanh. Sau này, chính cái môn toán, môn-học-thêm-cho-khỏi-buồn, của mình lại khiến mình tự hào nhất. Mình được toàn điểm 10 và được cô khen là làm toán nhanh cơ đấy.

Mình "đến trường" tất cả các ngày... không nghỉ. Nói thì có vẻ khó hiểu nhưng đúng là mùa hè, mình có nhiều việc bận rộn và việc học khi đó phải tạm gác qua một bên. Mình ôn bài đọc khi đi trên xe ô tô và tập viết trong nhà hàng hoặc trong lúc chờ cả nhà đi đón cô dâu cho anh Dũng. Việc làm bài ở nhà cũng không dễ dàng lắm. Mình và ông ngoại thường học ầm ỹ như mổ bò. Ông thì luôn cho rằng mình đã viết quá đẹp không cần sửa lại. Mình thì không thể yên tâm nếu mỗi chữ không tẩy đi viết lại đủ 4 lần. Ông nội thì cho rằng sau khi đi bơi về mình sẽ thoải mái và viết rất nhanh. Nhưng ông thường không thể gọi mình ra khỏi bể bơi vào đúng thời gian đã định mà thường là mình bơi quá cả tiếng đồng hồ. Thế là lại có một cuộc hò dô để mình ăn thật nhanh, viết thật nhanh cho đủ bài mang đến lớp. Mỗi khi trở lại "trường" mình có cả tỷ chuyện để kể cho cô nghe. Lớp học giờ không chỉ có mình mình mà còn nhiều anh chị khác. Mỗi người ngồi một bàn và làm một việc khác nhau. Trong lúc cô dạy mình tập đánh vần thì các anh chị làm toán. Trong khi mình tập viết thì cô lại dạy các anh chị cộng trừ hay viết lách cái gì đó khó hơn. Có chị thì ngồi chép bài mà cô giáo đọc (sau này, mẹ giải thích cho mình đó là môn chính tả). Trường rất nóng vì ở gần mặt trời (nhà cô cao tít, lớp học ở tầng trên cùng nên gần mặt trời nhất). Hôm nào chỉ có mình và cô thì cô "chuyển trường" xuống phòng ăn mát mẻ ngay tầng một. Đi học tuy hóc nặng nhưng không phải không vui. Hôm thì cô nấu chè, hôm thì cô pha nước chanh cho mình uống. Em Đạt, con trai cô, cũng thích học với mình. Cô thường thưởng bim bim cho ai làm bài nhanh nhất hoặc được điểm cao nhất. Em Đạt lúc nào cũng chỉ thích thắng thôi.

Chẳng bao lâu thì mình đã học xong bảng chữ cái và viết được những chữ K rất đẹp bằng tay trái. Điều này làm cô cứ nhắc đi nhắc lại mãi (chắc vì cô chưa từng thấy ai viết tay trái được chữ K đẹp như mình làm). Mình chuyển sang học các phụ âm ghép và vần. Tiếng Việt rất khó và người ta không thể học tiếng Việt trong vòng 20 buổi học được. Vì thế, đến tận ngày mình rời Việt Nam về nhà thì mình vẫn chưa học hết các vần. Cô giáo tặng mình một cuốn vở đọc và giao cho mình bài tập làm trong cả một năm. Cô dặn mình phải làm hết bài để hè tới cô sẽ kiểm tra. Ái chà, bài tập cho một năm là nhiều lắm đó.

Bây giờ không có cô, mẹ con mình vẫn đang làm bài tập. Ngày nào mình cũng phải đánh vần. Mình cố gắng đọc trơn nhưng rất chậm và rốt cục thì mình phải đánh vần to lên cho mẹ giúp đỡ cùng. Mẹ thì đã đỡ cao giọng nhưng không hiểu sao lúc học với mẹ mình thường mỏi cổ, ngứa người, đau buồn trong chân tay và không tập trung như khi học cùng với cô giáo. Mình đang đánh vật với dấu huyền (`), dấu sắc (´) vì hai cái dấu quỷ quái này hay khiến mình lẫn lộn với nhau. Nhưng không sao, không hóc nặng thì làm sao gọi là học được.



Anh Kiki đi học Carolla và Lollo rồi. Cả tuần vừa rồi anh ấy chỉ học 1 chữ A. Ở Thụy Điển, người ta thong thả dạy mỗi tuần 1 chữ thôi chứ không như ở Việt Nam, anh ấy học hết các chữ trong chưa đầy 1 tháng. Tuần này anh ấy học chữ S. Giờ thì anh ấy có thể viết tên anh ấy - ANH và viết được cả tên mình nữa - SUE. Anh ấy không cáu gắt mấy khi học tiếng Thụy Điển, không như khi học tiếng Việt. Có lẽ việc tìm những từ bắt đầu bằng chữ A, chữ S không khó bằng việc đánh vần. Mình chưa biết hết các chữ nhưng nghe anh đánh vần mình cũng học được ối rồi. Sau này mẹ khỏi phải cao giọng với mình vì mình đã tự biết hết cả. Sờ u su, ờ yêu yêu, mờ e me huyền mẹ. Đấy, mẹ thấy Sue đánh vần giỏi hông?

Tháng sáu

0 comments

Tháng sáu trôi qua thật hiền hòa. Nắng rất ấm và cỏ rất xanh. Trên những bãi cỏ mướt mát, rất nhiều cô đẹp, và cả các bà đẹp, chú đẹp và bác không đẹp đua nhau nằm sưởi nắng. Bằng giờ này năm ngoái, bố đang tích cực giúp mẹ rửa bát đũa. Cửa sổ bếp mở ra khoảng sân tuyệt vời nhất nơi bố có thể "rửa bát thư giãn" với một giàn người đẹp đọc sách hay ngủ gật ngay bên khung cửa. Năm nay, bố bận đi công tác còn mẹ con mình thì hối hả chuẩn bị cho một chuyến đi dài về Việt Nam thành ra cái câu chuyện về "sưởi nắng" không còn nóng hổi như trước nữa.

Tháng sáu ở Việt Nam thật là chói chang. Mình xuống sân bay vào giữa trưa một ngày râm mát mà mồ hôi mồ kê vẫn tuôn như suối. Chẳng hiểu mẹ liên hệ kiểu gì với các ông bà mà khi mấy mẹ con đã ỉn một xe đầy nhóc đồ đạc quà cáp, len qua biển người chờ đón với đủ thứ tâm trạng và đủ chủng loại biển, băng rôn, cờ phướn, hoa hòe vẫn chưa thấy ai đến đón mấy mẹ con. Mình lo âu hỏi mẹ liệu có ai đón mình không. Mẹ chẳng thương cho tâm trạng sốt ruột của mình lại còn hù thêm, nói rằng nếu không ai đón thì chúng mình quay lại bên trong sân bay và lên máy bay về Thụy Điển. Ái chà, cái câu đó của mẹ khiến bụng mình có cái gì cứ cuộn hết cả lên. Nó khiến mình mếu máo. Bác Hà và bác Bengt cùng Cún và Kít đã có người mang hoa đến đón về rồi. Mình thì bị bỏ rơi ở đây. Em Sue cứ ngồi thu lu trong cái xe của em và mút chùn chụt cái ti giả. Em tò mò nhìn đám người đông đúc ở sân bay. Đúng là trẻ con, ở Việt Nam lúc nào mà chẳng đông như thế, có gì mà lạ chứ. Rốt cuộc thì ông bà cũng đến. Đầu tiên là ông ngoại rồi bà ngoại, dần dần cả chị Chi và ông bà nội cũng đã tìm thấy mình rồi. Gặp người nhà tỉnh hết cả người. Ít nhất thì mình cũng không phải ngồi trên cái máy bay chán phèo đó, bay lượn như chim suốt đêm để quay trở lại. Phùùùù... (Nói cho công bằng thì đi máy bay cũng không quá tệ. Em Kít rất chịu khó ngồi xem mình chơi game và hai đứa thoải mái nói tiếng Thụy Điển trong khi hai mẹ mải túm tụm uống cà phê và buôn chuyện).

Khi lên xe, mình và anh Kiki phải tạm chia tay. Mình ngồi trong lòng bà nội còn mẹ thì ngồi kế bên cho mình sờ sịt. Anh Kiki thì luyên thuyên leo lên xe của ông bà ngoại chạy tuốt đằng trước mất rồi. Xe chạy qua một cây cầu lớn và một dòng sông. Ngồi trên cây cầu cao mà nhìn xuống con sông khiến mình phấn chấn lạ. Sông, mẹ chưa dạy mình từ này bao giờ. Sông, sông, sông... mình cứ muốn reo lên mãi thôi. Mình ở nhà bà ngoại. Nhà có một cái sân cỏ xanh xanh và một góc râm mát dưới bóng cây mít và cây hồng xiêm. Đừng khen mình giỏi, đến anh Kiki cũng chẳng biết đó là cây gì, nhờ ông bà và mẹ nói cho mỗi ngày mình mới biết. Mẹ mua về một cái bể bơi con con. Mình thường bơi như cá ở trong đó mỗi ngày (như cá có nghĩa là bơi lội và uống nước trong đó luôn á). Ông ngoại là người trông coi bể bơi tốt nhất. Ông có thể để mình bơi hàng giờ mà không bắt mình lên cho đến khi mẹ chạy ra kêu á á và lùa tất cả lên cuốn khăn rồi mặc quần áo. Bà nội thật tội nghiệp vì bị gãy tay ngay hôm sau khi mình về. Thế là bà không bế được mình rồi. Mỗi ngày, chúng mình đến thăm bà và chơi với bà đến chiều mới về. Cuối tháng sáu, bác Hà và cả nhà lên Hà Nội, mẹ đưa tất cả đi đền Ngọc Sơn. Mình thấy con rùa to trông sợ sợ là. Chỉ có cái cầu gỗ đỏ đỏ, cong cong tên là Thê Húc là thích nhất. Mình chạy qua rồi lại chạy lại không biết bao nhiêu lần. Có một chuyện khiến mình rất ngạc nhiên là Hà Nội lúc nào cũng đông thật là đông. Ra phố đã đông, đến cái cầu con con nối vào ngôi đền nho nhỏ cũng đông quá thể.

Mình có nhiều người phải gặp, nhiều chuyện phải học và nhiều việc phải làm. Bố thì chưa về. Bà nội thì đau tay. Mẹ chạy đi chạy lại giữa hai nhà và muôn ngàn cuộc hẹn. Tháng sáu vèo qua với việc mẹ mất cái điện thoại ngay khi về đến nhà và hai anh em mình phải uống kháng sinh vì viêm tai mũi họng. Em Sue đã bắt đầu nói rất nhiều với một thứ tiếng Việt kì lạ, lơ lớ như tây. Mình thỉnh thoảng dịch sai ý em nhưng không sao, dịch sai dịch đúng gì em vẫn đánh mình chan chát. Tháng sáu đọng lại với 1 kí lô mà mình mới tăng thêm và hai cẳng chân nở đầy hoa gấm.

Hương tình yêu

0 comments

Mình thuộc hết mùi da thịt từng người trong nhà. Gục đầu vào ngực mẹ trưa nay có mùi tôm chiên bơ tỏi. Tóc mẹ thì thơm mùi dầu Aveda nhưng áo mẹ thì có một cục bơ tròn xoay bắn phải lúc nấu ăn trưa nay. Tay mẹ mịn và mát, xoa qua xoa lại một lát, mình tìm thấy một cái gì đó hơi sần lên và thế là mình ra sức cậy. hehe, đã gì đâu. Rồi mình lim dim ngủ. Cái cảm giác ngủ trong long mẹ như baby trong khi mình đã hơn hai tuổi rồi thật là dễ chịu khó tả.

Nếu được bố ôm, người bố sẽ rất nóng và đầy lông. Mình và bố sẽ có một cuộc chiến nho nhỏ giữa một bên tí tẹo và ra sức tấn công vào đám lông lá trên tay bố, với bên kia to lớn vững chãi nhưng đang hốt hoảng cản trở và trốn tránh những cú móc móc, gại gại móng tay mềm mềm trên da. Bố có mùi bụi và khói xe vì bố mới ra ngoài về. Anh Kiki chua loét mùi mồ hôi, trộn lẫn với mùi trà chanh. Anh ấy còn ám mùi điều hòa nhiệt độ vì hâu như anh ấy trốn mình vào trong đó để chơi game hay vẽ vời, chơi bài cũng như xem phim hoạt hình, anti mọi hình thức vận động chân tay. Bà nội rất mềm với làn da nhiều nếp nhăn. Tay bà đau và sực nức mùi rượu và mùi lá thuốc tỏa ra từ vết băng trên cổ tay. Ông nội cho mình ngồi trên cái bụng to của ông. Thỉnh thoảng, ông có mùi nước rửa bát hay nước cọ sàn nhà vì ông lúc nào sẵn lòng giúp bà, giúp mẹ hay bác lau nhà hoặc cọ sàn. Bác Lan có mùi phấn và keo sịt tóc thơm thơm. Anh Dũng bảnh chọe có mùi chú rể. Bà ngoại lúc thì có mùi bột cám gà khi mới từ chuồng gà ra, lúc thì thơm nức mùi sữa tắm Dior. Áo bà lúc nào cũng có một mùi oải hương đặc biệt. Ông ngoại có mùi rượu thuốc. Còn bác Neo có mùi lam lũ từ trong cái bếp đun rơm… Ai cũng có một mùi đặc biệt và thân thuộc. Mình cũng giống con Men – con chó nhà bác Hùng, nhận ra mọi người nhờ mùi hương khác nhau. Mình cũng không thích người lạ vì họ có mùi kỳ cục. Con Men cũng thế, nhưng khác mình nem nép bỏ đi, nó sủa lên rất khiếp, ra chiều giận dữ. Mùi Việt Nam cũng khác mùi Thụy Điển. Mùi gốc mít khác với mùi cây thong. Mùi nắng oi nồng khác với mùi tuyết lạnh. Mùi biển tanh tanh ở Đồ Sơn khác với mùi bãi tắm ở Växholm. Ngay cả đường phố mùi cũng khác nhau, mùi bụi mỗi nơi cũng khác. Người lớn thì hay phàn nàn nơi này ô nhiễm, chỗ kia khói bụi. Mình thì chẳng phiền. Với mình, mỗi mùi là một tí cuộc sống mà mình đang thử. Mùi nào cũng thú vị, đáng yêu.

Em Sue ưa dụi vào lòng mẹ và sờ sịt khắp nơi. Nhìn cái mặt lờ đờ như phê thuốc của em ấy buồn cười thật. Em có mùi thơm thơm của trẻ con trong tóc và đầy một bỉm cứt thôi dưới mông. Thỉnh thoảng em không cho mẹ tháo cái bỉm đã quá tải ra nên người em có một mùi nước tè trẻ con khai nhè nhẹ. Buổi sáng là lúc cả nhà bốc mùi. Toilet chật ních 4 người chen vai thích cánh, giành nhau cái bồn rửa mặt để vệ sinh cá nhân trước. Không hiểu sao bố mẹ lại hôn nhau vào lúc ấy được cơ chứ. Mình thề là sẽ không lấy vợ vì không thể yêu nụ hôn buổi sáng của bất kỳ ai, mà nói chung là nụ hôn bất kỳ buổi nào mình cũng đều không thích cả. Mà không thích hôn thì không thể lấy vợ được. Mẹ bảo, khi đã yêu ai đó mình sẽ không còn thấy phiền về mùi vị của người ta nữa, thậm chí còn thấy nhớ nếu thiếu thốn nó nữa cơ đấy. Chả trách, mỗi khi đi công tác, mẹ cứ gói theo cái áo hôi rình của mình. Hihihi, mùi mồ hôi chua loét ấy chính là hương tình yêu, eo…

Hạnh phúc là...

0 comments

Là một buổi sáng mai oi nồng được nhìn con vùng vẫy, chơi đùa trong làn nước ấm áp với ông ngoại ngồi canh chừng bên gốc mít và chơi trò bắn súng nước với các cháu. Là nghe tiếng con cười đùa, la hét và thấy cha mình như trẻ lại cùng những trò chơi với trẻ con. Là tạm quên đi những âu lo về những người ở xa, những người nằm viện, người ốm nằm nhà hay cả bản thân mình không vui vẻ và khỏe mạnh để được tiếp thêm sức lực từ sự vui vẻ từ cái bể bơi ngoài gốc mít kia.

Hạnh phúc là thấy ổn ngay trong một ngày nắng oi nồng

Nhớ nhà

0 comments

Mình càng gần đến ngày về nhà lại càng nhớ nhà. Đi ra vườn gặp chút nắng, chút mưa phùn cũng nhớ nắng nhớ mưa ở nhà. Cho con đi chơi vườn thực vật, gặp chút nóng nồm cũng nhớ những ngày không dám mở cửa sổ vì trời nồm chảy nước khắp mọi thứ, thấy một cái hoa cũng nhớ cái hoa bên bờ tường ở nhà. Lâu lâu chưa về, nhà bố mẹ đã bán, chuyển sang nhà mới mà lòng vẫn mơ về cái ngõ cũ đầy bờ tường số điện thoại khoan cắt bê tông và cây phượng ngay trước cổng. Mẹ thương con nhớ mấy cái cây to trước nhà nên đặt mua về những cái cây to tướng. Bưởi trồng buổi sáng buổi chiều đã hái quả vào ăn, hồng xiêm vừa trồng đã xum xuê cành lá. Nhưng vẫn nhớ hanh hao sắc phượng oi nồng. Chủ nhà mới chia mảnh đất cũ làm ba, ở một phần, bán hai phần kia mà vẫn còn kêu rộng, khéo xẻ phải được 4 mảnh. Chẳng có đất cho phượng, cây cũ bị đốn tận gốc rồi. Tiếc mãi vì mẹ không thể mang cây phượng theo khi chuyển nhà vì phượng đã bén rễ ở đâu là sống đời ở đó, rời đất cũ là chết ngay thôi. Chắc mình cũng giống phượng, rời đất cũ là lúc nào cũng héo héo trong lòng (hé hé nhưng bên ngoài vẫn tươi nguây nguẩy, nhỉ?)

Friday, June 6, 2008

Những câu chuyện sáng tác ở nhà trẻ

0 comments


Hôm 2/6 bọn anh đã bế giáng rồi. Bế giảng là chữ của mẹ, nghĩa là hết học, năm học kết thúc. Nhưng như thế không đúng lắm vì anh em mình vẫn đi học đấy thôi. Năm học của bọn mình chẳng có ngày nào là bắt đầu ngày nào là kết thúc cả, ngày nào cũng vui bằng nhau và một số ngày đặc biệt hơn một tí. 2/6 là một ngày đặc biệt vì bọn anh biểu diễn rối tay cho các bố mẹ xem. Chỉ có bọn anh, những người lớn sẽ tạm biệt nhà trẻ để đến trường học thì mới được biểu diễn thôi. Bọn anh phải tự mình nghĩ ra một câu chuyện nào đó. Rồi tự mình sản xuất một con rối để tự kể và biểu diễn câu chuyện đó cho các bố mẹ nghe. Nghĩ ra một câu chuyện chẳng dễ dàng gì. Có những bạn thì nghĩ ra cả tỉ thứ buồn cười còn có những bạn thì chỉ kể ngắn thôi. Vì hôm nọ em đến muộn, không được nghe chuyện của anh nên anh kể lại cho em nghe tất cả các chuyện buồn cười hôm đó nhé. Hehehe, đảm bảo là buồn cười lắm.

Câu chuyện của Viktor về một anh chàng
Ngày xửa ngày xưa có một anh chàng đi đến cửa hàng và ăn trộm các thứ. Cảnh sát đến và bắt anh ta về đồn. Sau đó anh ta bỏ chạy và bị cảnh sát giết chết. Hết chuyện.

Câu chuyện của William về con khủng long
T-Rex tấn công một cậu bé và ăn thịt cậu ta. Sau đó nó đi đến bên hồ và uống nước. Nó cực kỳ khát. Sau đó nó đi đến một thành phố và tấn công thành phố đó. Có hai viên cảnh sát đi đến và bắn T-Rex. Nó cào chết luôn cả cảnh sát và phá tan cả thành phố. Sau đó nó phá 4 thành phố trên trái đất. Hết.

Câu chuyện của Fengyu về cá sấu
Ngày xửa ngày xưa có một con cá sấu sống ở Trung Quốc. Nó sống một mình vì mẹ nó ở Thụy Điển. Nó là anh lớn và nó có một em gái cũng sống ở Trung Quốc. Nó không có tiền để mua thức ăn và phải đi ăn trộm đồ ăn. Nó rất thích ăn cá và ăn nhiều đến nỗi phát ợ cả ra. Sau đó nó đi trộm máy bayđến Thụy Điển và tìm mẹ rồi ôm mẹ rất chặt. Thế là câu chuyện kết thúc.

Câu chuyện của anh về cá voi
Ngày xưa có một con cá voi sống ở dưới nước. Có một con cá bơi đến. Con cá nhỏ rất sợ vì cá voi suýt nữa quật đuôi vào nó. Nhưng có những con cá khác đến và nói với cá voi: Cẩn thận đấy. Thế là cá voi bơi cẩn thận. Sau đó có một con cá mập bơi đến. Các con cá đều rất sợ hãi. Thế là cá voi bơi lại và quật cá mập bằng cái đuôi của mình và thế là câu chuyện kết thúc.

Câu chuyện của Elif về công chúa
Ngày xưa có một nàng công chúa tên là Elif. Nàng sống ở Skogås và nàng rất thích nhảy múa cùng ca hát. Nàng kết hôn với một hoàng tử và sinh được 2 người con. Một hôm, nàng đưa hai con ra công viên và chơi xích đu. Và câu chuyện thế là hết.

Câu chuyện phù thủy của Sevval
Ngày xửa ngày xưa có một bà phù thủy đi chợ và mua một ít thịt viên và cả phấn để vẽ. Thế là có một con người đi đến và muốn mua những viên phấn cuối cùng. Thế là bà phủ thủy để lại những viên phấn lên giá để người đó mua được chúng. Hết.

Câu chuyện của Tina về cá mập
Ngày xưa có một con cá mập sống ở Skogås. Nó sống với mẹ ở dưới biển và ăn cá ở đó. Nó có những người bạn tên là Sevval và Fengyu. Chúng thường chơi trốn tìm và cá mập thường nấp ở dưới một tảng đá. Chúng ngồi với nhau và ăn những con cá mà cá mập bắt được. Sau đó có một cái thuyền đến và thế là cá mập bỏ chạy vì nó nghĩ rằng người ta đến để bắt một con cá mập to. Tèn tén ten... câu chuyện đến đây là hết.

Câu chuyện về phù thủy, công chúa và cá mập (Sevval, Elif và Tina kể)
Ngày xửa ngày xưa có một mụ phù phủy sống với một con cá mập. Một hôm, mụ phù thủy bảo cá mập: Hãy đi và ăn thịt con người đi! Nhưng chẳng có con người nào cho cá mập ăn thịt cả. Nhưng có một công chúa sống ở một tòa lâu đài xa xa. Cá mập phải bơi rất là xa đến nơi công chúa đang ngồi và ngắm xuống nước. Thế là cá mập phải nhảy lên, vươn mình để bắt công chúa. Công chúa nhìn thấy cá mập bèn nhảy xuống nước và bơi rất nhanh. Cá mập đuổi theo và nuốt luôn công chúa vào bụng. Sau đó nó bơi về nhà với mụ phù thủy và há miệng thật to cho mụ phù thủy nhìn thấy công chúa bị nó nuốt ở trong đó. Thế là mụ phù thủy nói: BRAVO!!!
Tèn tén ten... thế là hết chuyện.

Chuyện cá voi và cá sấu (anh và Fengyu kể)
Ngày xưa có một con cá voi và vài con cá bơi lội và chơi đùa. Có một con cá vàng bơi đến vào muốn chơi cùng thế là tất cả chơi trốn tìm. Một con cá sấu đi xuống nước có lẽ để bắt cá và ăn thịt chúng. Nhưng con cá sấu này chỉ bơi và tìm được một con cá để chơi cùng nhưng lại bị một con cá mập bơi đến và ăn thịt mất. Thế là cá sấu bơi về nhà nhưng trước hết nó đi trốn và chơi trò trốn tìm với cá mập. Thế rồi cá voi đến và nhìn thấy cá mập. Cá voi thì rất khỏe nên cá mập vội vàng bỏ chạy về nhà vì nó rất sợ và hơi buồn. Còn cá voi và cá sấu thì rất vui và về nhà cùng nhau. Câu chuyện đến đây là hết.

Cậu bé và T-Rex (Viktor và William kể)
Có một cậu bé đi chơi vào trong rừng. Cậu có một cái ống nhòm để xem các con thú. Cậu nhìn thấy một con gấu nhưng nó không sợ vì con gấu đằng nào cũng ở cực kỳ cực kỳ xa. Nhưng không lâu sau, có một con khủng long T-Rex đi vào rừng và ăn thịt vài con thú vì nó là một con thú ăn thịt. Khi đã no, nó uống nước ở một cái hồ trong rừng. Sau đó nó đi về hang. Cậu bé cứ đi và cứ đi rồi cậu nhìn thấy những dấu chân to. Cậu cảm thấy hơi hơi sợ một tí nưng mà cậu vẫn theo những dấu chân suốt dọc đường và đi đến một cái hang. Cái hang có 3 cửa và cậu bé đi thẳng vào trong. Ở trong đó có vũng nước của T-Rex. Cậu bé mặc quần bơi và chạy thẳng xuống nước. Thật may, T-Rex có một con đường bí mật trên bãi cát nhưng ở đó có rất chi là nhiều cua. Chúng cứ muốn cắp cậu bé nhưng cậu bơi cực nhanh. Cậu nhìn thấy T-Rex đang muốn tấn công cậu và cố cào cậu. NHưng cậu bé đã tìm thấy một cái thuyền và phóng như bay khỏi con T-Rex. Nhưng T-Rex đã cào tung 10 tấm ván khỏi cái thuyền rồi nó lại cào thêm 30 tấm ván nữa nhưng cậu bé đã kịp trèo lên một cái cây. Và ở đó, những người lính cứu hỏa đã cứu cậu. T-Rex thì bỏ về nhà chính là cái hang cũ của nó.

Lựa chọn mới của mẹ

0 comments

Cuối cùng thì mẹ đã chọn học thêm một nghề nghiệp mới - nghề trông trẻ. Mẹ muốn được học một cách bài bản xem cái gì đang diễn ra phức tạp trong cái đầu con con của các con. Cái gì khiến em Sue gào khóc nức nở khi mẹ cố giúp em đi giầy hay cái gì khiến Kiki giận mẹ, bỏ đi học một mình mà chẳng nói với mẹ lời nào chỉ vì mẹ dọn cho con bữa sáng sớm hơn lệ thường 2 phút. Mẹ không biết cái gì khiến các cô giáo của con luôn mỉm cười và không bao giờ thấy con có tội lỗi gì trong khi mẹ thì luôn không hài lòng với sản phẩm giáo dục của mình. Cái gì khiến các con làm theo mọi chỉ dẫn của cô một cách dễ dàng mà không ai mất thời gian quát tháo hay nì nèo "chờ con một tí" (thường là một tí rất dài). Mẹ không biết làm thế nào để các cô giáo của con vừa làm vợ, làm mẹ lại suốt ngày gắn bó với cả một đám trẻ con nhặng xị như các con mà không thấy mệt mỏi, kiệt sức trong khi mẹ chỉ ở nhà với con ngày có mấy giờ đồng hồ mà cả hai bên đều thấy chán nhau. Mẹ thấy mẹ cần phải đi học. Không phải vì một nghề nghiệp trước mắt mà để học được cái cách các cô giáo con giải quyết mọi vấn đề với các con thật nhẹ nhàng, học cách vui niềm vui của các con, trò chuyện và khám phá thật gần thế giới của các con và để thấy mình vỡ ra nhiều điều từ con trẻ.

Chờ xem sự tiến bộ của mẹ, con nhé.

Monday, June 2, 2008

Vì sự an toàn của bé (tiếp)

0 comments

Đối với trẻ từ 1-3 tuổi
Ngoài những nguyên tắc an toàn như khi bé dưới 12 tháng, bạn cần lưu tâm thêm:
- Tủ thuốc (hoặc ngăn kéo đựng thuốc) của gia đình phải đặt cao hơn sàn ít nhất là 0,5m và có khóa cẩn thận
- Không bao giờ để bé tắm một mình
- Đừng bao giờ quá tin cậy vào những tấm xốp, phao đeo khi đưa bé bơi ngoài trời hay trong bể bơi. Chỉ có một chiếc áo phao tốt, đúng cỡ, mặc đúng cách và chính bạn mới có thể đảm bảo an toàn cho bé. KHông cho bé bơi ở những chỗ nước sâu quá ngực bạn
- Không bao giờ để bé tự chơi một mình hoặc giao hẳn bé cho anh chị của bé hoặc trẻ nhỏ khác trông chừng
- Không bao giờ rời mắt khỏi bé nếu bạn ở gần sông, suối, đầm, ao, hồ...
- Luôn mặc áo phao cho bé khi bé ở trên thuyền, khi đi câu cá... Nguyên tắc này thậm chí phải giữ đến tận khi bé học hết phổ thông
- Không cho phép bé chạy trước hoặc tụt lại đằng sau người lớn khi đi dọc phố
- Luôn luôn cầm tay bé khi qua đường
- Không bao giờ để bé chơi ngoài tầm mắt của bạn trong khu vực đậu xe hoăc nơi có thể có xe cộ qua lại

Đối với trẻ từ 4-6 tuổi
- Chỉ đến lúc này, khi bé đã trên 4 tuổi, bạn mới có thể cho bé ra ngoài chơi một mình
- Chỉ cho bé đi xe đạp khi rất rất vắng xe cộ
- Đừng cho bé một chiếc xe đạp trước khi bé 5-6 tuổi
- Luôn đội mũ bảo hiểm cho bé khi đi xe đạp, trượt băng, trượt tuyết, cưỡi ngựa. Ở tuổi này, đầu bé vẫn có một tỷ lệ rất lớn so với thân hình nên khi ngã bé có xu hướng đập đầu xuống đất.
- Hãy dạy con bạn bật diêm và thổi tắt diêm ngay sau đó. Nhớ rằng diêm, bật lửa không phải đồ chơi. Bé phải được dạy cách sử dụng chúng an toàn
- Bé 4 tuổi vẫn nên ngồi ghế riêng trong xe hơi, quay mặt xuống dưới. Bé lớn hơn có thể dùng ghế kê cao để bé thắt được dây an toàn của người lớn
- Nếu có thể hãy mở cửa sổ xe thay vì dùng hệ thống quạt gió nhất là khi dừng xe hoặc khi giao thông ách tắc. Làm thế để tránh bé bị ngạt trong xe
- Tránh không cho bé cùng đi xuống bãi đậu xe nhất là những bãi đậu xe lớn
- Đeo miếng phản quang cho bé bên ngoài quần áo và giầy trong mùa thu - đông

Vì sự an toàn của bé

2 comments

Với tư cách là cha mẹ của một em bé sơ sinh, thật tự nhiên nếu như bạn luôn thấy lo lắng về sức khỏe của bé, rằng bé chẳng tăng cân, rằng bé bị cảm cúm hay mắc bệnh gì đó. Nhưng ngày nay, khi sức khỏe và dinh dưỡng của bé đã được chăm sóc ngày một chu đáo hơn, nhiều bệnh hiểm nghèo có thể được chữa khỏi, tỷ lệ bé suy dinh dưỡng giảm thiểu, thì việc bảo vệ bé khỏi tai nạn, thứ cũng nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng của bé không kém gì bệnh tật và thiếu dinh dưỡng, lại chưa được quan tâm tương xứng. Là cha mẹ, người có thể cảnh giác và loại trừ, hoặc giảm thiểu những rủi ro xảy ra tai nạn cho bé, bạn nên chú ý một số loại tai nạn mà trẻ có thể bị ở những lứa tuổi nhất định với những khả năng vận động và tính cách nhất định. Những khuyến nghị dưới đây do Swedish Child Environment Council đưa ra.

Đối với trẻ từ 0-3 tháng tuổi
- Bàn thay tã của bé phải đủ vững và đủ rộng để bé lẫy lật mà không rơi xuống đất
- Không bao giờ rời mắt khỏi bé khi đang thay tã cho bé, cho dù bạn thay cho bé trên giường hay bàn thay tã. Vị trí an toàn nhất để thay tã cho bé là dưới sàn nhà, chỗ khô, sạch và kín gió
- Hãy đảm bảo là nôi của bé thật vững chãi, khoảng cách giữa các thanh chắn không quá 8,5cm, chiều cao thành nôi ít nhất 60cm
- Nếu bạn dùng tấm trải chống thấm bằng plastic, hãy phủ lên đó tấm ga trải cotton và giắt thật chặt dưới đệm
- Bé dứt khoát phải được mặc quần bên ngoài quần nilon chống đái dầm
- KHông để gối hay chăn dày trong nôi của bé. Đặt bé nằm ngửa hoặc nằm nghiêng khi đi ngủ. KHÔNG ĐẶT BÉ NẰM SẤP.
- Nhiệt độ nước phải bằng thân nhiệt (37oC) khi bạn tắm cho bé
- Nếu bạn có một cái ghế đung đưa cho bé, luôn đặt ghế dưới sàn nhà.
- Vứt ngay những cái ti giả khi nó đã cũ hoặc hỏng
- Nếu bạn ăn hoặc uống, thậm chí cầm đồ nóng, đừng bế hay ngồi gần bé lúc đó
- Hãy kiểm tra để đảm bảo rằng xe đẩy của bé có phanh an toàn và luôn nhớ dùng phanh mỗi khi bạn dừng xe
- Hãy kiểm tra để đảm bảo rằng khung xe chắc chắn và ghế/nôi của bé được gắn chắc vào khung
- Nếu đi bằng xe hơi, hãy đảm bảo rằng bạn có 1 chiếc ghế dành riêng cho bé, đặt hướng về đuôi xe, được cột chặt vào xe và mỗi khi bé ngồi trong đó bạn đều cài dây an toàn cẩn thận cho bé.

Đối với trẻ từ 3-12 tháng tuổi
Ngoài những điều cần lưu ý như khi bé dưới 3 tháng, khi bé từ 3-12 tháng, bạn hãy lưu tâm thêm:
- Không để bất kỳ túi, giấy thậm chí quần, tã bằng nilon trong nôi của bé (hoặc trong tầm tay của bé)
- Không bao giờ để bé ngồi một mình trong xe nôi
- Dùng thiết bị an toàn che hết các ổ cắm, adaptor, các đoạn dây dẫn có điện
- Kiểm tra đảm bảo rằng tất cả các dây dẫn, đèn hay thiết bị điện đều đảm bảo an toàn, không dò điện
- KHông để bất kỳ một đoạn dây dẫn hay công tắc dây lòng thòng trên sàn hoặc lắc lư trong tầm tay của bé, nhất là khi nó nối với bàn là, đèn bàn nặng, quạt hay bất kỳ thiết bị nào nặng mà bé có thể nắm đầu dây và kéo vật đó đổ vào người bé
- Đảm bảo rằng cái ghế ăn của bé không thể bị đổ nhào xuống
- Không bao giờ để bé ngồi một mình trên ghế ăn mà không có người lớn canh chừng
- Hạ thấp nhiệt độ của tấm sưởi để chúng không quá nóng khiến bé có thể bị bỏng khi chạm phải
- Cất tất cả dao kéo và các vật nhọn ngoài tầm tay của bé
- Cố định cái bếp để nó không thể bị đổ xuống
- Dùng tấm chắn để chắn bé không với vào mặt bếp đang nóng
- Nếu bạn có lò nướng, dứt khoát phải có tấm chắn chống nóng và khóa chắc chắn để bé không thể tự động mở lò
- Cất tất cả các loại xà phòng, bột giặt, chất tẩy rửa, hóa chất dùng trong gia đình khỏi tầm tay của bé
- Cất tất cả các loại thuốc men trong một ngăn kéo có khóa đề phòng trẻ con
- Đừng bao giờ để thuốc lá, bật lửa, diêm lung tung.
- Sau khi dùng, hãy đổ và rửa sạch gạt tàn ngay
- Đừng bao giờ để bất kỳ loại hạt gì rơi trên sàn, trên ghế... Bé có thể bị hóc, bị sặc, dị ứng hoặc nhét vào lỗ tai, lỗ mũi... bạn chẳng thể nào biết trước được, nên tốt nhất là cất những thứ đó cẩn thận
- Tất cả các cửa sổ đều cần được lắp khóa đề phòng bé trèo ra ngoài
- Vứt hết những đồ chơi hỏng hoặc nguy hiểm
- Cất những túi nilon bất kể lớn nhỏ ngoài tầm tay của bé
- Không để bé tự vặn vòi nước nóng
- Không trồng hoặc để mọc trong nhà trong vườn những loại cây độc
- Mặc áo phao cho bé mỗi khi chơi gần hồ, ao...

Tuesday, May 27, 2008

Cuộc đi dạo hành xác

1 comments

Mẹ là người "ăng-ti" (anti-) các thể loại vận động. Mẹ béo đến mức bác sỹ phải gọi điện đến nhà gọi mẹ đi khám và viết cho mẹ một cái đơn thuốc, trong đó bắt mẹ vận động mỗi ngày. Mình đã bảo mẹ bao nhiêu lần là phải ăn và ngủ đúng giờ, phải vận động nhiều cho thân hình cân đối. Nhưng đúng là người lớn khó dạy hơn trẻ con, nói mãi cũng vậy à. Chiều thứ 6, bố nghỉ làm về sớm và đón cả nhà đi vào rừng đi dạo. Tất nhiên là mình và em rất thích. Mẹ cũng tỏ ra hào hứng và chuẩn bị rất nhiều món ăn picnic ngon lành. Đi dạo là một cách tốt đến giảm béo mà.

Rừng đây rồi, vườn quốc gia, khu vực bảo tồn tự nhiên ở ngay gần nhà. Bố chạy xe rẹt một chút đã tới. Mình đã ăn một chút trước khi đi nên mình có thể đi đến sáng mai cũng được. Mình là mạnh khỏe nhất nhà mà. Bố mẹ xem bản đồ và bàn bạc một hồi. Mình thấy mẹ vung tay chỉ đạo: Đường này, cứ đi đi, đẹp lắm, có cái cầu kia kìa.



Đúng là có môt cây cầu bắc qua một cái hồ mà người ta gọi là hồ Nhỏ. Hồ này là sâu lắm 25m lận. Bố bảo đó là cái hồ sâu nhất trong các hồ thuộc hệ thống hồ Tyresta. Mẹ tìm được một tảng đá đẹp bên bờ hồ và định ngả hết đồ lề ra ăn nhậu tại trận. Đúng là mẹ, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến ăn với uống. Mình và bố phải vội vàng can ngăn, vừa mới đi được mấy bước thôi mà. Phải khám phá một chút, tìm chỗ nào đẹp hơn thì ta sẽ ngồi ăn tối và phơi nắng buổi chiều. Hơn nữa, ngồi bên bờ hồ thế này mình nghĩ cũng run run. Nhỡ ra, lăn tòm xuống, phải chìm 25m mới tới đáy cũng nghe buồn buồn nơi sống lưng chứ không à.

Đi thì đi. Rừng chiều yên tĩnh đến lạ. Mẹ chỉ cho mình rất nhiều cây blueberries. Mẹ bảo, quả này ở Việt Nam cũng có, gọi là quả sim đấy. Nếu mình cần berries là mứt, làm bánh hoặc làm xi-rô, mình chỉ việc vào rừng khi quả chín và hái một lát thì có mà đầy, muốn làm gì thì làm. Mình đi qua một mảnh đất, thấy có cái biển ghi: Nơi đây, vào năm 1627 có một lò rèn. Chà, bây giờ là thế kỷ 21, khi đó là thế kỷ 17, nghĩa là 4 thế kỷ rồi. Một thế kỷ là 100 năm, 400 năm là nhiều lắm đó. Mãi năm 1950 nơi đó mới cháy rụi và để lại một cái móng nhà bằng đá và một mảnh vườn cỏ mọc tới đầu gối của mình. Mẹ lại gạ gẫm dừng chân. Bố bảo cố đi thêm một đoạn xem có chỗ nào đẹp hơn không chứ ở đây cỏ cao lút, làm sao mà trải khăn ngồi xuống được. Nào lại đi, cái mặt mẹ trông bắt đầu bí xị rồi. Mới đi có nửa tiếng đã mệt sao mẹ ơi??

Á á á, có con gì chui vào tai con mẹ ơi. Oài, nó lại chui ra rồi, hóa là là một con muỗi. Trong rừng này nhiều muỗi quá. Buổi chiều, muỗi rủ nhau đi tuần hàng đàn. Mà sao càng đi càng thấy sâu hun hút vậy ta? Không có bãi cỏ xanh biếc bên cạnh một hồ nước trong xanh và có một đôi thiên nga chầm chậm dạo chơi như viễn cảnh bố mẹ vẽ ra cho mình gì cả. Mẹ ơi, con cũng mệt rồi. Mẹ trả lời hết nổi. Từ lúc nào, mình đã thấy mẹ "tắt đài", không còn giảng giải về con mối, con kiến, cây thông, chim muông gì nữa rồi. Bố cũng hết chăm chăm chụp hình ba cái thứ cây cối lăng nhăng mà quay sang phụ mẹ đẩy cái xe đầy đồ ăn, túi máy ảnh, chân máy, đồ tã lót hầm bà làng và cả em Sue chễm trệ trên đó nữa.

Cuối cùng thì cả nhà cũng tìm được một gốc cây ven đường để dừng chân ăn tối. Bố hết còn muốn tìm chỗ đẹp còn mẹ thì hết cười rồi. Mình thì thấy bánh rất ngon và salad mẹ trộn thì lúc nào cũng tuyệt. Em Sue chẳng ý kiến ý ong gì, ngồi xơi tì tì cả hộp ngô. Mẹ chẳng nói gì. Còn bố thì ra sức phân bua: Bố đâu có biết đường xa thế này.

Giờ thì cái bụng đã thôi biểu tình nhưng đôi chân thì bắt đầu trở chứng. Nó mỏi mỏi, buồn buồn làm như không muốn vác cái thân hình mình ở bên trên. Mình ước gì có một cái trailor gắn vào xe của em Sue cho mình đứng lên và bố mẹ đẩy đi. Nhưng mẹ bảo, đường rừng thế này, có trailor thì mẹ cũng không thể đẩy mình đi được. Sắp đến rồi, mẹ nói thế suốt thôi vậy mà con đường thì cứ như dài mãi.

Kính coong, kính coong... Cả nhà mình phải dẹp qua một bên cho một bác đạp xe đạp đi qua. Bố hỏi bác xem quay lại hay đi tiếp thì gần hơn. Tai hoạ chưa, bác ấy bảo chỗ này là vừa đúng nửa đường!! Tiến thoái lưỡng nan, mẹ quyết định đi tiếp cho biết. Bố thì đành chấp nhận thất bại, thừa nhận đi lạc đường vì không thể tìm ra cái thác nước mà bố định chỉ cho mấy mẹ con. Mình thì mệt quá rồi. Giờ này, nếu ở nhà thì mình đã tắm, uống một cốc sữa ấm và đi ngủ. Còn bây giờ, mình phải đi cố qua cái dốc này, rồi lại cố qua cái khúc quanh kia, rồi cố đến cái cây kia, rồi cố xuống hết cái dốc nọ, rồi qua một quãng đồi, vượt một trang trại có mấy con ngựa và dê, đến bên một bờ hồ, rồi vòng qua phía bên kia... Trời ơi, giờ mình đã láng máng hiểu thế nào là "hành xác". Em Sue thì chẳng cần biết thế nào là nhọc nhằn. Em ngồi yên trên xe, cần mẫn khều khều những hạt ngô trong cái lon và ăn nhóc nhách. Sao mà mình thèm cái xe của em Sue quá!!

Đây rồi!! Bố reo lên. Bố đã tìm thấy cái thác nước mà bố định chỉ cho mấy mẹ con. Hic, sao bố không tìm thấy nó sớm một chút. Thác nước này trước đây người ta đã đặt một cối xay nước. Họ sản xuất giấy, rèn các thứ dụng cụ, vũ khí ở đây. Giờ thì người ta hay đến đây câu cá. Thác nho nhỏ và hay hay. Chụp ảnh một hồi, bố bảo mấy mẹ con ngồi chờ bố đi lấy xe rồi đón mấy mẹ con. Cái gì???



Bố bảo, vì nhầm hướng nên cả nhà đã đi hết một vòng trong rừng trong khi từ chỗ bố đậu xe, đi ngược lại hướng cả nhà đã đi khoảng 600m là đã đến thác nước rồi. Vậy mà bố mẹ làm con đi 5km vòng quanh trong rừng. Đúng là "đi dạo hành xác"! Không biết mẹ có giảm được kí lô nào sau chuyến này không?

Ngày hội trường - Gårdsfest

1 comments

Ngày 15 tháng 5 là ngày hội trường. Bố cười bò khi mình khoe rằng nhà trẻ của mình có ngày hội. Trường của ông bà, bố mẹ có ngày hội trường thì sao nhà trẻ của bọn mình lại không có hội trường được nhỉ. Người lớn cứ làm như là chỉ họ mới biết hội hè thôi.

Năm nay, chủ đề của ngày hội là Nước. Bọn mình có thể làm mọi thứ liên quan đến nước. Cô Ulla của em Sue đội một cái mũ có gắn một cái thuyền buồm. Mũ của cô Kestine thì còn oách hơn, có hẳn một cái cần câu cá và có cả cá nữa. Mẹ gập cho mình một cái mũ bằng giấy để mình làm cướp biển nhưng mà gió cứ thổi phần phật. Cướp biển gì mà cứ phải giữ mũ suốt thế thì làm ăn gì. Cuối cùng, mẹ nghĩ ra một cách, mẹ dán những bông tuyết lên trên cái mũ của mình. Thế là xong, tuyết cũng chính là nước đấy. Cái mũ của mình thành ra là đẹp nhất!

Hôm nay, mình được làm các thí nghiệm về nước. Nếu mình muốn nhặt một quả trứng trong một cái bình đầy nước mà không muốn xắn tay áo lên thì chỉ cần đổ nhiều muối vào trong nước và ngoáy tan muối thế là quả trứng sẽ nổi lên và mình nhón tay là lấy đước trứng ra ngay.



Nếu mình muốn có hàng đống bọt thì chỉ việc cho xà phòng vào nước và cắm một cái que vào mà thổi. Bọt sẽ nổi lên to khéo mà hơn cả cái đầu mình.



Nếu mình muốn làm một xoáy nước thì chỉ cần nối hai cái chai vào nhau và xoay xoay cái chai một chút. Nước chảy từ chai nọ sang chai kia sẽ có hình như một cơn lốc hoặc một xoáy nước thực sự.



Cô Lena bảo, nếu ngoài biển mà có xoáy nước thì các tàu thuyền sẽ bị cuốn vào đấy, chìm ngay. Ơ, thế cuốn vào rồi thì tàu thuyền sẽ đi đến đâu?? Giả sử, bên này biển là một cái chai thì cái chai thứ 2 là đâu nhỉ?? Khó hiểu phết, nhờ!

Em Sue hôm nay bị ốm nên không được chơi trò thú vị nhất là tìm báu vật. Các cô thả bao nhiêu ngọc xuống đáy hồ, phía trên đầy bọt. Bọn mình phải thò tay vào mà mò. Khó lắm, mình đã ngắm kỹ viên ngọc màu xanh mà khi mò lên toàn thấy viên màu trắng thôi. Mình ướt sạch từ đầu đến chân và phải đi lấy quần áo để thay. Cũng bõ. Mình mò được mấy viên ngọc đẹp cực kỳ. Mình để dành 1 viên làm mắt con cá của mình.





Nói đến cá, em Sue được đi vẽ cá. Em ấy bôi chét một hồi thành ra một con cá màu xanh lá cây.



Mình vẽ con cá của mình 3 màu và cẩn thận dán cho nó một con mắt màu xanh. Không hiểu vì sao mà cuối cùng, cái con mắt ấy lại trôi vào giữa người con cá chứ không nằm ở đầu cá như mình muốn. Kệ, ngoài biển thiếu gì loại cá khác nhau. Thế nào chẳng có một loại mà có mắt ở giữa bụng như con của mình. Ai cũng làm mắt cá ở đầu thì có gì đặc biệt nữa chứ.



Ngày hội trường kết thúc bằng một bữa BBQ. Mình xếp hàng lấy vé, lấy đồ ăn cho mẹ và em mệt hết cả người. Mẹ bảo, mẹ là khách ở trường mình, còn mình là chủ nên mình phải phục vụ khách. Thế là chỉ có mình vất vả. Em Sue ngồi thu lu trên lòng bà bảo mẫu yêu quý của em trông mà ghét. Con gái lúc nào cũng được ưu tiên cả. Nhưng nếu không phục vụ con gái thì con trai biết làm gì??





Em rất thích hội trường anh Kiki ạ. Mẹ bảo là mẹ cũng thích hội trường nhưng vì mẹ lớn quá rồi nên không được đi học trường của bọn mình nữa. Vì thế, mẹ chỉ làm khách của bọn mình được thôi. Thực ra, nếu em không ốm thì em cũng không ngồi một chỗ để anh phục vụ em như thế. Em có thể phụ anh mò ngọc chẳng hạn. Nhưng em không dại gì làm ướt hết quần áo như anh đâu. Hihihi, anh không nhìn vào mặt mẹ cái lúc mà anh làm ướt hết quần áo từ đầu đến chân ấy, trông giận dữ buồn cười lắm. Em phải đi theo mẹ tìm quần áo cho anh thay. Mẹ giận lắm, chạy phăng phăng từ phòng nọ qua phòng kia, bới hết mấy cái túi của anh để tìm đồ mà không thấy. Túi thì anh để toàn quần, túi thì toàn bít tất. Anh lộn xộn quá, anh Kiki ạ. Cuối cùng thì mẹ móc được một cái áo cô phơi trong tủ sấy cho anh. Té ra, một ngày mà anh đã làm ướt mấy cái áo liền cơ đấy.

Sunday, May 11, 2008

Gia đình và việc du học

0 comments

Nghĩ cho cùng, ở mỗi giai đoạn của cuộc đời mình lại có những quan tâm riêng, những dự định hoài bão và cả mức độ điên rồ rất riêng. Liệu cái lúc 28 tuổi (không cần trẻ hơn) cái học bổng mà nó rơi xuống đầu ta, liệu ta có ôm hôn anh bồ tạm biệt để lên đường liền không??? Có đấy. Khi đấy ta vẫn thấy mình trẻ, mình tự tin và gia đình không phải là lựa chọn thứ nhất. Không có anh, sẽ có anh khác trẻ khỏe và hào hoa hơn đến với em. Còn cái học bổng có thể chỉ rơi vào đầu em lần này thôi. Chỉ cần 2 năm sau mình đã nghĩ khác. Chồng là người đàn ông đáng yêu đơn giản vì anh ta đã đồng ý lấy mình. Gia đình, ôi gia đình, vị trí của nó không thể nào thay thế được! Em cần có chồng để được sinh ra những đứa trẻ có giá thú trong độ tuổi sinh sản. Em chẳng muốn chết già với một mớ bằng cấp cao thấp các loại. Em sẵn lòng hi sinh bầu trời xanh ngắt, lá vàng và tuyết lắc rắc rơi. 28 tuổi, em vẫn muốn làm 1 cái đỉnh của thế giới (dù cái đỉnh đấy thấp tẹt thôi). 30 tuổi em chỉ ước ao duy nhất được làm 1 người "bình thường" (nghĩa là có người hỏi làm vợ và có thể đẻ con).

Thế rồi một nhóc tỳ ra đời. ước nguyện ngày nào, lời tự hứa ngất ngư ngày nào "học, học nữa, học mãi", viễn tưởng ngày nào rằng chẳng có gì ngăn cản nổi sự đam mê học tập và phấn đấu của em giờ đây bị thử thách dữ dội. Chẳng ai nói trước với em là đứa nhỏ ấy cần em 24/7 nào ăn, nào tã, nào ốm, nào ho... Nó lớn 1 chút thì em là pho sách vạn năng của nó. Lớn chút nữa là học thêm, ngoại khóa, chút nữa là bạn gái bạn trai, tệ nạn xã hội. Cái trách nhiệm mới trói chặt em thêm mỗi ngày. Nếu có khi nào em "được" rời xa cái mớ trách nhiệm của mình một chút thì lúc đó toàn là những nỗi bất an đến với em. Em biết chọn gì đây dùi mài kinh thư hay xó bếp thân thuộc của mình? Hehehe... Em cũng biết có những người vẫn dùi mài kinh thư trong xó bếp thân thuộc của họ. Nhưng mà con số ấy ít quá và các bác ấy cũng vất vả quá.

Bây giờ, em đi những chặng ngắn thay cho một bước nhảy dài. Vừa đi em vừa dắt con em theo và chỉ cho nó những bông hoa nhỏ, những cảnh đẹp bên đường. Cái đích vinh quang vẫn còn ở phía trước. Chừng nào mình vẫn còn cố gắng chừng đó vẫn còn những bông hoa mới và những cảnh đẹp mới. Có thể mình chẳng bao giờ đến được đích nhưng vẫn có thể mỉm cười mà nói với mình rằng, mình đã cố gắng hết sức và chẳng có gì phải hổ thẹn.

Friday, May 9, 2008

16 lời khuyên cho cha mẹ

0 comments

Đôi khi bạn cảm thấy khó khăn trong cương vị làm cha mẹ? Đây là 16 lời khuyên của các chuyên gia tâm lý của Bộ Y tế và Các vấn đề xã hội Thụy Điển dành cho các bậc phụ huynh đôi khi cảm thấy khó khăn khi thực hiện vai trò của mình. 16 lời khuyên này có thể không phải là rất phù hợp với tất cả mọi người để áp dụng nhưng rất đáng tham khảo.

1. Nếu đôi khi bạn thấy lo lắng vì mình không phải là cha mẹ tốt, hãy nhớ rằng chẳng bao giờ muộn để cải thiện tình hình. Con trẻ luôn để ý nhưng chúng cũng có khả năng đặc biệt để nhận biết sự nỗ lực thay đổi và tiến bộ của cha mẹ.

2. Nếu bạn thấy rằng đã đối xử không đúng với con cái, hãy nói "xin lỗi". Một đứa trẻ rất nhỏ thì luôn được nhắc nhở phải nói xin lỗi với mọi người trong rất nhiều tình huống khác nhau. Nhưng một người lớn thì dường như ít chịu nói xin lỗi ngay cả khi cần phải làm như vậy. Thật hiếm khi một người lớn lại gõ cửa phòng một đứa trẻ để nói với nó rằng họ xin lỗi vì đã xử sự không phải. Khi bạn nói xin lỗi với trẻ, điều này không có nghĩa là bạn mất mặt mà ngược lại, bạn chỉ xử sự như một Con Người và giúp con bạn thành người.

3. Nếu bạn thấy căng thẳng, đau khổ về chuyện gì đó trong đời, hãy giải thích cho con bạn hiểu. Cuộc sống, nhân loại không chỉ toàn tốt đẹp và niềm vui và chẳng có ai hoàn thiện. Bọn trẻ cần và có thể hiểu được điều đó. Đừng làm trầm trọng hóa vấn đề cũng chẳng cần giải thích chi tiết, bạn cũng đừng bao giờ quên nói "đó không phải là lỗi của con". Với người lớn câu này chẳng có nghĩa lý gì nhưng với trẻ con đấy là sự giải thoát. Nếu không chúng sẽ dễ dàng cho rằng chúng phải chịu trách nhiệm cho những điều đã xảy ra với bạn.

4. Nếu bạn thấy không còn tý quyền lực nào với con mình mỗi khi có mặt người lạ, hãy nhớ rằng điều này xảy ra với tất cả các bậc phụ huynh. Nếu bạn càng xử sự khác bình thường khi con bạn cứng đầu, la hét, gào khóc trước mặt người lạ, chúng càng hiểu rõ bạn đang yếu thế và càng tỏ ra khó bảo. Sao không thử làm như bạn vẫn làm ở nhà? Cố gắng xử sự đúng như bạn vẫn thường làm, đừng để ý quá đến việc những người xung quanh nghĩ gì. Con họ chắc chắn lúc nào đó cũng gào thét như vậy.

5. Nếu việc khuyên nhủ, nói chuyện với con cứ như nước đổ đầu vịt, hãy làm lại lần nữa. Hạ giọng, bình tĩnh và nói với con điều bạn nghĩ. Điều đó giúp lời nói của bạn có trọng lượng cho dù bạn cũng không thể chờ đợi một phản ứng tích cực ngay lập tức. Nếu bạn nổi nóng hoặc thể hiện ra rằng bạn cáu bẳn thì tình hình chỉ có xấu đi.

6. Nếu bạn thực sự thấy mình sắp sửa làm một việc hay nói một điều với đứa con bất trị của mình mà điều đó sẽ làm nó rất khó chịu, hãy nhớ rằng con bạn luôn biết chính xác những điều gì sẽ làm bạn điên tiết lên. Dù rằng giữ bình tĩnh lúc đó là rất khó nhưng đó là điều bạn phải làm. Điều có thể khuyên bạn lúc này là hãy cố quên những lời nói của con bạn và nghĩ đến những điều cha mẹ cần làm cho con trong hoàn cảnh này. Hãy hiểu rằng dù nó thể hiện ra ngoài thế nào đi nữa thì con bạn vẫn cần bạn bảo ban, che chở.

7. Nếu con bạn cứ khóc lóc mãi không sao dỗ nổi, có thể chúng chỉ cần ở yên một lát. Hãy thử nhớ lại lúc nhỏ bạn muốn gì mỗi khi như vậy: một câu chuyện, một chút bình yên trong phòng 1 mình hay trong vòng tay mẹ... Con bạn cũng có thể cần chính những thứ đó để bình tâm lại. Bản năng sẽ mách bảo bạn phải làm gì.

8. Nếu bạn thấy đứa con 13-17 tuổi không tôn trọng, thần tượng bạn như trước, đó chẳng qua là cảm giác chủ quan của bạn. Bon trẻ ở tuổi này vẫn cần chúng ta ở bên để dạy dỗ bảo ban nhưng đồng thời chúng cũng muốn thể hiện bản thân chúng. Hãy cho chúng biết giới hạn của mình và để chúng tự do trong giới hạn đó

9. Nếu con bạn làm bạn nổi cáu, hãy nhớ là cáu bẳn chẳng có gì là lạ và chẳng ai cấm bạn cáu. Tuy nhiên phải giữ nó trong giới hạn. Nếu bạn trở lên cay độc, thóa mạ hay không thể dừng lại khi cáu bẳn, bạn đã vô tình làm con mình hiểu sai đi những giá trị của bản thân nó và cảm giác này sẽ đeo đẳng con bạn rất lâu dài và ảnh hưởng đến nhân cách của con bạn nếu nó lặp lại thường xuyên.

10. Nếu con bạn cố tình vượt qua những giới hạn mà bạn đặt ra, hoặc gây áp lực để bạn phải nới lỏng hay phá bỏ những giới hạn đó, hãy nói Không. Đừng chờ đợi con bạn tự hiểu ra những giới hạn đó, bạn hãy làm cho nó rõ ràng. Con bạn sẽ không thể dựa vào bạn nếu bạn không là một người lớn vững vàng, không thể nói Không. Một khi bạn đã đưa ra 1 quyết định thì việc của bạn là đảm bảo cho quyết định đấy được tôn trọng, vì bạn là người lớn.

11. Nếu bạn thấy con mình làm điều gì đó sai, hãy tập trung vào chính cái lỗi đó chứ không phải là hành vi và cách xử sự của con bạn nói chung. Con bạn phải đuợc biết rõ ràng rằng, bạn rất tôn trọng con mình và yêu quý nó, nhưng việc nó làm là sai và bạn rất buồn về điều đó.

12. Nếu con bạn không đứng về phía bạn mà lại bênh vực người khác, điều này không có nghĩa là người đó quan trọng hơn bạn. Khi con bạn thần tượng hóa người vợ hay người chồng đã chia tay của bạn, đó chỉ là sự thể hiện nỗi nhớ của trẻ với người đó mà thôi. Bạn đừng để điều đó làm bạn đau lòng.

13. Nếu con bạn không thích người bạn đời mới của bạn, hãy nhớ rằng trẻ con cần cảm thấy an tâm sau những gì đã xảy ra trong gia đình. Những biểu hiện của trẻ chưa hẳn đã là nó không thích người cha/ người mẹ kế mà chỉ là nỗi lo lắng và nó muốn thử thách quan hệ mới của bạn và người đó. Liệu ông ta (bà ta) có "trụ" được lâu hay năm bữa nửa tháng lại biến mất và bạn và chúng lại đau khổ? ĐIều này người lớn phải đồng ý với chúng và cho chúng thấy điều gì sẽ đến.

14. Đôi khi bạn thấy sự hi sinh của bạn không được biết ơn đúng mức, hãy nhớ rằng con bạn chẳng bắt bạn phải hi sinh cái gì cho chúng cả. Chúng không hề muốn bạn mệt mỏi, chán chường vì phải hi sinh hết cả sở thích cá nhân vì chúng. Hãy biết nghĩ đến bản thân mình, đôi khi hãy làm điều gì đó vì nó tốt bạn nhất (chứ không phải là cho con bạn nhất)

15. Nếu bạn thấy bất lực trong vai trò làm cha mẹ, hãy tìm ra nguyên nhân và điểm yếu của mình. Chỉ có vậy bạn mới tìm được cách khắc phục. Đừng ngần ngại chia xẻ điều này với những người lớn khác, với bạn đời, bạn bè, gia đình, đồng nghiệp... Nếu cần, đừng ngần ngại tìm kiếm lời khuyên của các chuyên gia, tổ chức tư vấn. Hãy giữ số điện thoại của họ để phòng khi cần đến.

16. Nếu bạn nghi ngờ con bạn bị hành hạ, đối xử không bình đẳng hay bị xâm hại (tình dục hoặc tâm thần) hãy nói với ai đó có trách nhiệm về việc này chứ đừng bao giờ bỏ qua. Không nhất thiết phải nói với họ tên của con bạn và cụ thể từng lời cháu nói với bạn. Hãy gọi điện cho bác sỹ tâm lý hoặc cán bộ tư vấn để họ cho bạn lời khuyên và sự hỗ trợ cần thiết. Con bạn cần được bạn bảo vệ và bảo vệ một cách tuyệt đối nhưng tâm lý và tế nhị.

http://www.webtretho.com/forum/showpost.php?p=3858&postcount=1

Thursday, May 8, 2008

Lớp vỡ lòng

0 comments




Anh sắp đi học vỡ lòng Sue ạ. Nghĩa là mỗi sáng, mình sẽ chỉ cùng nhau đi đến ngã ba rồi em sẽ đến trường cũ còn anh đi đến trường mới của anh. Trường anh, em đã được đến thăm một lần rồi đấy. Mẹ bảo, thỉnh thoảng em có thể đến thăm chỗ anh học. Anh sẽ nói với cô giáo chuyện này. Cô giáo anh tóc rất dài và rất thích trẻ con. Hôm nọ, trong buổi gặp mặt đầu tiên, cô cầm tay bọn anh và bảo: Người ta làm thầy cô giáo vì thích được cầm tay trẻ con đấy. Lớp anh có 27 bạn nhưng anh mới chỉ gặp 12 bạn thôi. Cô bảo, buổi đầu tiên, cô muốn dành nhiều thời gian cho từng người nên nếu cả 27 bạn cùng đến, cô sẽ không bắt tay từng bạn, nắm tay từng người để dắt đi khắp nơi hay trả lời mọi câu hỏi của 27 người được. 12 người thì có thể được, người nọ chờ người kia một tý. Tối qua, mẹ đi họp phụ huynh (từ này là mới nhé, có nghĩa là bố mẹ) và nói rằng lớp anh có 1 anh chơi piano rất giỏi và một anh khác thì cũng thích lego như anh. Lớp anh còn có nhiều chị thích chơi đá bóng nữa cơ. Anh cũng thích đá bóng nhưng nếu đá bóng thắng con gái thì có vẻ cũng không vênh vang gì cho lắm. Anh sẽ làm nhiều thứ ở trường mới. Có một tờ giấy to, ghi chi chít những việc anh phải làm. May quá, việc quan trọng nhất là chơi. Cái này thì anh giỏi lắm. Cô bảo, chơi cũng là học. Trẻ con học các thứ bằng việc chơi. Tưởng đi học là thế nào chứ đến lớp để chơi thì anh thấy ngon lành quá! Lớp anh cũng sẽ có nhiều buổi samling, nôm na là tập trung. Bọn anh sẽ ngồi với nhau, hát hoặc lắng nghe cô giáo nói điều gì đó. Trong buổi samling, luôn luôn chỉ có 1 người được nói còn những người khác lắng nghe. Ai muốn nói thì sẽ phải giơ tay đấy. Anh không biết liệu ngồi yên nghe người khác nói một chút có khó lắm không nhưng cô bảo chuyện này quan trọng, phải tập luyện để khi lên lớp 1 hay lớn hơn nữa mình mới học tập được.
Bọn anh sẽ học nhạc. Hát và nhảy múa cũng là nhạc luôn. Thậm chí bọn anh có giờ vận động cũng là theo nhạc. Trường anh mới xây xong một sân khấu kịch. Hôm nọ, khi đi họp phụ huynh, các bố mẹ đã nhất trí là sẽ viết kịch cho bọn anh biểu diễn đấy. Rồi em sẽ được xem. Mỗi ngày bọn anh phải vận động ít nhất nửa giờ. Nhưng cô giáo nói là đảm bảo bọn anh sẽ được vận động nhiều hơn thế. Em có biết là bọn anh sẽ đi bộ đến tận Skansen, những 20km từ trường anh không? Anh không biết rồi anh sẽ đi làm sao nữa. Chuyện này anh sẽ phải nói với cô giáo. Đi bộ thế thì mỏi lắm. Anh sẽ học về hình ảnh bằng những màu sắc, chất liệu và kỹ thuật mới. Có thể sẽ rất khác những gì bọn mình vẫn làm ở mẫu giáo. Hôm đến thăm trường, anh thấy các bạn ở đó làm những con gì bằng bột giấy. Họ còn buộc các que củi thành những chữ cái và chụp ảnh lẫn nhau nữa. Anh nghĩ là không có gì khó cả. Trường anh học chuyên về khoa học tự nhiên và công nghệ. Chủ đề của mùa thu tới sẽ là Thăng bằng và cái gì đó, cô nói anh quên rồi. Người ta sẽ phải chơi, phải học và khám phá về cái gọi là thăng bằng. Em biết thế là gì không?? Là làm sao em đi được xe đạp, đi nhanh thì ổn mà đi chậm thì lại bị đổ xe. Là làm sao em chơi bập bênh được với bạn. Là trò chơi xích đu mà em yêu thích đấy. Nhưng tại sao lại thế thì đợi khi nào đi học anh sẽ bảo cho. Ở trường, anh sẽ được học về các kỹ năng xã hội và khả năng biểu cảm. Cô bảo những điều này là quan trọng lắm. Nếu một người chỉ biết làm toán mà không biết tự tắm rửa, chăm sóc bản thân, hoặc không có bạn bè hoặc không biết yêu, biết ghét, không hiểu gì về cuộc sống xung quanh thì chán lắm. Sau cùng thì bọn anh sẽ học một chút toán và chữ nghĩa. Nhưng cô bảo không nhiều lắm, chủ yếu là trò chơi thôi. Cô bảo là toán thì người ta có thể học ở khắp mọi nơi, sẽ không ai phải ngồi vào bàn và làm toán hết bài này sang bài khác cả. Chữ cũng thế. Cô sẽ đọc sách cho bọn anh và bọn anh sẽ tìm cách để tự đọc lấy và tự học lấy các chữ.

Trường học đại thể sẽ như thế. Anh sẽ có nhiều việc để làm ở đó. Cũng may là lớp học của anh cũng rộng rãi. Anh phát hiện ra có cả một phòng lego với một núi lego và cả một tòa lâu đài. Cũng giống ở trường cũ của chúng mình, bọn anh cũng có phòng ăn, phòng đọc sách. Hôm nọ đến trường anh, em thấy phòng tập có to không? Mỗi tuần anh chỉ đến đó 1 lần thôi. Còn thì anh đi thư viện (trường anh có 1 thư viện riêng hẳn hoi đấy nhé) hoặc sang phòng học nhạc và múa may ở đó, hoặc đọc sách hay chơi trò chơi với các bạn trong những cái phòng nho nhỏ mà có rất nhiều sofa ấy. Trường anh có rất nhiều biển cấm. Cái biển cấm mà anh... thích nhất đó là: Cấm làm phiền một đứa trẻ đang đọc sách! Em bảo thế có hay không?? Anh sẽ đạp xe đi học. Bao giờ em lớn bằng anh và đi học, em cũng sẽ được đạp xe thôi. Sang trường mới, anh sẽ nhớ em nhiều đấy. Nhưng anh có thể đi đón em mỗi ngày và chúng mình sẽ kể các chuyện ở trường cho nhau nghe. OK??


Chán nhỉ, em thích lúc nào cũng học cùng với anh, ở cùng trường với anh. Em thích khi nào em buồn bã, anh sẽ chạy đến và làm cái gì đó buồn cười như bây giờ. Em thích đi xe đạp như anh ấy. Em sẽ lớn nhanh rồi lại chuyển sang học cùng trường với anh, anh nhé.

Friday, May 2, 2008

Sinh nhật

3 comments


Sinh nht bao giờ cũng là một dịp đặc biệt. Với mẹ, trước mỗi dịp sinh nhật ai đó trong nhà bao giờ cũng là “tháng hành động”. Mẹ khiến mình hồi hộp suốt cả tháng trời. Xem lịch không dễ dàng gì vậy mà mình phải học xem lịch, biết được các tháng và chờ đợi mòn mỏi cho tháng 3 qua đi. Nhưng hai tuần đầu tiên của tháng 4 mới thực sự là dài vì sau đó chính là ngày sinh nhật của mình. Cô Lena cũng làm một cái gì đó cho mình nhân dịp sinh nhật nhưng cô cũng như mẹ, dứt khoát không chịu nói.

Mười sáu tháng tư, mình tỉnh giấc cùng một nụ hôn chúc mừng của mẹ. Quà, phải đi tìm quà. Quà của mẹ to và nặng trịch. Một cuốn Bách khoa dành cho trẻ con và một cuốn BOB the Builder. Hehe, tuyệt cú mèo! Mẹ biết là mình yêu BOB. Nhưng có cái gói gì bé bé của bố đây. PSP!!!! Trời ơi, ngoài sức tưởng tượng! Mình cứ ước ao mãi về một hộp lego tàu thuỷ chứ cái thứ này thì quả là mình chẳng dám mơ. Anh An có một cái mà mỗi lần mình sờ vào là anh ấy cứ hét toáng lên. Vậy mà giờ đây mình có nguyên một cái láng lẩy, cáu cạnh để chơi Pokémon một mình, hơ hơ, bao nhiêu mạng cũng được, không ai tranh giành, lườm nguýt. Sinh nhật ơi, mỗi năm mình muốn sinh nhật độ 10 lần. Mẹ còn mua xe đạp cho mình nữa. Xe cũ đã bị kẻ xấu lấy mất mùa thu năm ngoái. Bây giờ trời đã sang xuân, mình đã có thể đi xe đến trường rồi. Mẹ nói là sẽ dắt mình đi mua xe đạp nữa. Cũng nhân ngày sinh nhật. Sao mà sướng thế hả trời!! Hôm nay ở lớp mình là Vua. Cô và các bạn hát tặng mình và mình được một thiếp chúc mừng đặc biệt có hình tuổi của mình - số 6. Khi mình nói mình muốn ăn dặm trong nhà, tất cả mọi người đều ăn trong nhà trước khi ra sân chơi. Mình được chọn trước tiên cái xe đạp nào mình thích vì hôm nay là sinh nhật mình và mình là Vua. hehe, mọi hôm mà ăn chậm ra sau thì còn cái xe ghẻ nào mình cũng phải chịu hết. Nhưng mà cô Lena bảo phải công bằng. Cứ chơi 15 phút thì mọi người phải đổi xe cho nhau để ai cũng được đến lượt đi xe tốt. Nhưng được đi trước tiên đã là sung sướng ghê gớm với mình rồi. Sinh nhật, sao mà tuyệt vời!

Bố mẹ bảo vì hai anh em có sinh nhật thật gần nhau nên bữa tiệc chung sẽ được làm vào cuối tuần. Mình sẽ được mời 5 người khách cùng với mình là 6 vì năm nay mình 6 tuổi. Dễ quá! Mình mời bạn Bờm và anh An như thế thì sẽ có chị Cún (chị của Bờm) và anh Ngọc (anh của anh An) cùng đến. Mình rủ thêm em Tôm nữa là vừa xinh. Ờ, thế còn em Sue? Em Sue là em nhưng cũng là bạn mình, mình không mời em thì liệu em có buồn không nhỉ. Hế hế, mình ngốc quá. Em Sue cũng làm sinh nhật cùng mình. Có thể em cũng được mời 1 người bạn cho thành 2 người (em hai tuổi mà) giống như mình cũng nên. Không hiểu nó mời ai nhỉ?? Đấy, lo gì em không có mặt. Nhưng bao giờ mình 100 tuổi mình sẽ được mời 99 người bạn. Èo, lấy đâu ra chỗ mà ngồi nhỉ? Mà mời ai cho đủ 99 người đây ta?


Chờ mãi rồi cuối tuần cũng đến. Từ tuần trước mẹ đã nói đến sinh nhật của hai anh em mình vào cuối tuần. Mình cũng không biết sinh nhật là gì cả. Chuyện gì mẹ cũng bảo để đến sinh nhật, sinh nhật làm, sinh nhật ăn, sinh nhật mặc. Nhọc quá đi! Nhưng mà dù sinh nhật là cái gì thì cũng hi vong là nó hay. Mình thích các thứ hay. Bố đi đến bác Lan lấy quà Sinh nhật của ông bà và các bác gửi từ Hà Nội. Váy này, sách này cả dây buộc tóc cho mình nữa đấy. Thế thì được. Cứ mỗi ngày một sinh nhật mình cũng chịu. Mẹ định mời cả bà Gittan đến sinh nhật mình. Nhưng cuối tuần là ngày nghỉ, bà phải nghỉ chứ, làm sao đến tận nhà trông con được mẹ ơi?? Con có anh Kiki làm người bạn trong sinh nhật của con rồi. Anh Kiki thì lại có một đám bạn của anh ấy, đông vui dễ sợ. Các anh ấy bắt em chạy vòng quanh để đuổi theo, trong khi các anh vừa chạy, vừa trốn vào mọi xó khiến em tìm phát mệt. Buổi chiều, trong lúc mẹ chuẩn bị món ngon gì đó thì bố đưa tất cả đi Lâu đài trò chơi. Hihihi, xe bố chưa bao giờ chở đông người đến vậy. Anh Bờm ngồi trong lòng bác Hoa ở phía trước. Em ngồi trong lòng chị Cún ở phía sau. Cạnh em, anh Ngọc thì bế anh An ngồi giữa. Anh Tôm ngồi trong lòng anh Kiki ở phía bên kia. Bố bảo, nếu cảnh sát bắt thì bố chịu phạt chứ không để ai phải ở nhà hết. Thế mới gọi là bố chịu chơi chứ. Lâu đài trò chơi là một nơi... toàn trò chơi. Các anh ấy chạy biến vào đám trò chơi, bỏ em lại một mình. Đâu có sao, em chơi bập bênh với bác Hoa. Em trượt cầu trượt với bố và chị Cún. Em chui vào một đường ống tối om và trơn tuột. Véo... véo... thế là em rơi ra ở đầu kia, buồn cười thế. Em ngụp lặn trong bể bóng với hàng ngàn quả bóng đủ màu. Sinh nhật ơi, cứ mỗi ngày một sinh nhật thế này cũng được.



Tiệc sinh nhật BBQ kết thúc một ngày sinh nhật tuyệt vời. Bánh sinh nhật rất ngon và đến tận lúc cắt bánh thì mọi người mới nhớ ra là phải hát tặng anh em mình bài hát chúc mừng sinh nhật. Buồn cười thế! Mọi người đến chơi với mình cả ngày. Quà cáp đã mở ra hết và chơi hết chán chê. Giờ tự nhiên cắt bánh lại phải thổi nến, ước một điều ước sinh nhật và hát nữa. Hai anh em mình thổi nến đánh vèo (Em Sue sau đó còn bắt mẹ thắp nến độ 20 lần nữa để em được thổi xả láng). Em ước gì hả Sue? Anh ước sang năm chúng mình lại có sinh nhật cùng nhau. Sinh nhật riêng của từng đứa không thể vui như sinh nhật chung thế này. Anh ước mỗi ngày đều là sinh nhật nữa.

Em ước mấy ngọn nến sinh nhật cứ bị thổi tắt lại tự sáng để em thổi, thổi nữa, thổi mãi. Vui gì đâu. Em cũng thích sinh nhật như anh vậy. Giờ em đã biết sinh nhật là mọi người đến đông vui cùng với quà bánh, là đi chơi Lâu đài trò chơi, là mẹ làm một bữa tiệc rộn rã và bố chụp một tỉ kiểu ảnh. Em còn được quà sinh nhật vào đúng ngày sinh nhật thật sự của em, ngày hai tư tháng 4 nữa. Em có một laptop riêng, một cuốn sách to hơn cả của anh có hình muôn ngàn con vật, em có một cây đàn ghi-ta điện cáu cạnh và đồ chơi luyện trí nhớnữa. Đừng ghen tị vội, em còn có cả tỉ quần áo đẹp nữa cơ.

Thế đấy, thế mà anh đã lo cho em. Anh thấy mẹ chỉ tặng em một món quà anh đã phải nhắc mẹ giùm em đấy nhé. Anh được tặng 3 món trong ngày sinh nhật anh thì em cũng phải được 3 món trong sinh nhật riêng của em mới gọi là công bằng. Nhưng có vẻ, mẹ đền bù cho cái sự thiếu công bằng đó hơi quá tay thì phải. Nhưng anh không thắc mắc gì đâu. Anh cũng được một con robot và chơi ké đồ chơi lego tàu hoả của em rồi. Anh có cả xe đạp nữa nhé. Sinh nhật cực kỳ em nhỉ? Anh thì 6 tuổi, em thì 2 tuổi. Em thấy có tuyệt không??? À, mẹ bảo, em hơi lùn đấy nhé. Hồi anh bằng tuổi em, anh cao hơn em hẳn 6cm cơ đấy. Quỷ lùn ơi, 86cm ơi.


Anh ơi anh nặng 25kg gấp đôi em mà có cao gấp đôi em được đâu. Còn nhiều sinh nhật phía trước mà. Để xem, khi lớn lên, khi hết mọi sinh nhật thì ai cao hơn ai anh nhé.

SINH NHẬT MUÔN NĂM!!!

Monday, April 21, 2008

Ngôi sao tháng tư

2 comments


Tháng tư đến cùng những bông tuyết sót lại sau cùng của mùa đông. Cỏ dưới sân nhà đã xanh mướt. Hoa dại trải xanh ngắt một màu. Những bông tuy-luýp đã hé nụ. Chim sẻ về líu ríu trong tán cây bên cửa sổ. Mùa đông đã qua. Xuân đã thực sự về rồi cùng nắng mới, cùng gió mới và muôn ngàn sức sống mới.

Bảy năm trước, hai mươi tháng tư, mẹ xách vali vượt một hành trình dài đến với bố và hai người xém bắt tay nhau ở sân bay. Lạ quá, vợ chồng chia xa mà gặp lại cứ như gặp thằng bạn cũ, thân quá như chưa bao giờ xa. Tình cảm thật khó tả. Hai mươi tháng tư mở ra một cuộc sống mới, một gia đình thực sự bắt đầu. Bảy năm sau, hai mươi tháng tư, con lớn đã chuẩn bị đi học, con bé đã bắt đầu thành thục với hai thứ tiếng. Thời gian tựa chim bay. Sinh nhật chung của các con, hai mươi tháng tư, mẹ nhớ lại những ngày mang bụng bầu con trai đi học. "Cậu bé master" - các bạn học của mẹ âu yếm gọi con như thế đấy. Mẹ nhớ những ngày mang con bé đi đàm phán khắp nơi. Không biết có phải vì người ta ngại "nói chuyện phải quấy" với bà bầu mà việc gì mẹ làm khi có con quậy tưng bừng trong bụng đều ổn cả. Con là cô bé may mắn của mẹ, phải không con? Thời gian tựa chim bay. Và tháng tư luôn ghi những dấu ấn đặc biệt trong lòng mẹ.

Và có hai vì sao đang ngủ yên với những giấc mơ dịu dàng trong vòng tay mẹ đây. Ơi những ngôi sao tháng tư...

Friday, April 11, 2008

Buổi đầu lưu luyến ấy

1 comments

(Kỳ trước: Giờ G)


Thuc gim đau đã hết tác dng. Tôi phi ung thêm thuc và ăn sáng.

Tôi ng mt lát trước khi tnh dy đ gi đin cho con trai và đón hết đt này đến đt khác các bác s vào thăm. Tôi mt máu nhiu và hu như ngt xu khi trong toilet. Nhưng tt c nhng chuyn đó gi l m quá. Con tôi hoàn toàn khe mnh, nng 3,822kg và dài 51cm. Con bé không b tim, tiu đường hay bt kỳ cái gì mà người ta nghi ngi khi nó còn nm trong bng mt bà m béo phì như tôi. Cho dù bc nhược, nhưng tôi vn có sa và em Sue được bú m t lúc lt lòng. Đến cui ngày thì chúng tôi được v khách sn. Mi chuyn đáng lo ngi đã qua, các ch s ca m con tôi đã bình thường, mi th thut đã được thc hin.

Khách sn dành cho bnh nhân ni vi bnh vin bng mt đường hm. Cô y tá đy tôi trên xe lăn va đi va gii thiu v khách sn. Ch nhng bnh nhân bình thường, không cn theo dõi cp cu mi được nm đy. "Housekeeping" là nhng y tá giàu kinh nghim và "manager" là mt vài bác s trc. Gia đình tôi được mt phòng đôi, ging như mi phòng khách sn 3 sao, ngoi tr nút bm gi bác s trong trường hp khn cp và mi phương tiện, vật dụng cần thiết cho một bà mẹ mới sinh con. Tôi tìm thy mi thông tin dành cho bà m mi sinh trong mt folder trên mt bàn viết. Mt gi trái cây và hoa, kèm theo mt lá c Thy Đin cũng được đặt ở đó chào mng đích danh m con tôi. Ngày mai, người ta sẽ đến đo thính giác cho con gái tôi, kiểm tra mức độ vàng da, cân đo, chấm điểm cho nó. Tôi sẽ phải nằm ở khách sạn này đến khi nào bác sỹ cho tôi về nhà. Tôi chọn ăn trưa và ăn tối tại phòng. Bữa ăn đầu tiên trong bệnh viện của tôi là món cá tuyết với sốt chanh tuyệt cú mèo. Tôi không thể giữ mình khỏi mỉm cười khi nghĩ đến những đứa bạn phải kiêng khem khổ sở sau sinh của tôi ở Việt Nam. Bữa tối có một món khai vị rất ngon với trứng cá. Chúng tôi tiếc vì đã để quên mất chai champagne trong tủ lạnh ở nhà lúc lên đường đi đẻ hối hả đêm qua. Giờ chúng tôi cụng li nước cam chào mừng con gái. Rồi sẽ có tiệc mừng linh đình cho con, bố mẹ hứa đấy. Bên ngoài cửa sổ, trời đã tối và lác đác mưa nhưng ở trong gian phòng này, chúng tôi bên nhau ấm cúng.

Kiki chạy ào vào với em Sue và chợt rụt rè khi thấy em bé quá. Con cẩn thận chạm vào em như thể em bé có thể vỡ ra. Con có thể bế em không hả mẹ?? Được chứ con yêu. Tôi chỉ muốn ôm mãi Kiki không rời cho dù tôi mới chỉ xa con chưa trọn một ngày. Con ngủ với ai, con chơi với anh và em thế nào, con đã làm gì, con có nhớ mẹ không?? Bạn tôi nghĩ là sẽ tốt hơn nếu Kiki về nhà bạn một đêm nữa. Chúng tôi sẽ được ở riêng với em bé và nghỉ ngơi thêm thay vì phải lo cho cả Kiki và em bé. Vẫn biết như thế sẽ vui hơn cho con nhưng sao trong lòng tôi miễn cưỡng quá. Kiki vẫn còn kể về việc “mẹ đẻ em bé trong khách sạn” nhiều ngày sau đó còn tôi sẽ vẫn nhớ mãi phút chia tay lưu luyến khi con chào bố mẹ và em để đi sơ tán thêm một đêm. Chỉ một đêm thôi vì sau đó tôi chẳng thấy có lý do gì để chúng tôi phải xa nhau lâu hơn nữa. “Mẹ phải có con để giúp đỡ mẹ các việc mà”, con trai tôi nói thế đấy.

Tôi ra viện vào một buổi chiều xuân muộn. Trời quang và mây tạnh. Chồng tôi xách con gái trong một cái ghế ô tô của trẻ sơ sinh với sự “trợ giúp” của con trai. Tôi đi hơi chậm lại ở phía sau để ngoái nhìn nơi có lẽ vĩnh viễn, không khi nào tôi quay lại như một bệnh nhân nữa. Phía trước tôi là một khung trời sáng với cả gia đình tôi hoàn hảo.

Giờ G

0 comments

(Kỳ trước: Đi đẻ)


Tôi không phi ch quá lâu đ đến gi G. Sau vài vòng do quanh phòng sinh và khám phá quang cnh l m sáng bên ngoài ca s, vài câu chuyn phiếm vi chng, vài cú đin thoi v VN đ báo tin "đang đ d" tôi cht thy mình "có nhu cu đ". Tôi nói vi vi Sari v nguyn vng được khâu vá cn thn sau khi sinh ca mình. Ln trước, không biết vì lý do gì mà Pernila tng tôi mt “ch y” xinh đp hơn c ca con gái chưa chng khiến v chng tôi tn hàng lít gel trong bn năm tri. Ln này, tôi mun điu chnh s c nho nh đó tí tnh. Ai ng, nguyn vng đó ca tôi dn đến mt cuc tuyn chn nho nh trong đi ngũ y bác s trc đêm hôm đó đ có được mt người "cm kim". Ann-Marie, “người cm kim", đã giúp tôi có mt cú rch hoàn ho đ Sari giúp con gái tôi chào đi. Con gái tôi, tóc dài và có đôi môi đ thm. Tôi ngm nghía "em Sue" mà tôi đã "sn xut" được gi đang nm m áp và m ướt trong lòng tôi. Thuc vn có tác dng và tôi biết Ann-Marie cùng Sari đang giúp ly bánh nhau ca Sue ra ngoài và sau đó là tng tôi nhng mũi khâu hoàn ho.

Tôi không h bun ng dù đã qua mt đêm thc trng vượt cn. Tôi ngm cô bé đang ng bên giường tôi vi đôi môi đ thm kia. Tôi vn ngc nhiên lm vì mi chuyn dường như nhanh quá. Kia là con gái tôi sao, tí to vi bàn tay vn còn hơi tai tái nhưng môi thì rất hồng và mắt và tóc rất đen. Kia là cô nàng vừa sinh ra đã mặc chật ních bộ quần áo sơ sinh chị chồng tôi gửi tặng từ Hà Nội. Kia là con gái rượu của chồng tôi với những ngón tay thanh mảnh và cái mũi hơi mốc mốc. Chồng tôi cười toe toét từ lúc con gái tôi ra đời. Anh cắt rốn cho con thành thạo như thể không phải đây mới là lần thứ hai anh làm việc này. Anh ôm con gái trong tay với nụ cười thu hoạch. Chẳng phải anh là một gã đàn ông viên mãn lắm sao. Sinh linh bé bỏng này vừa khiến anh trở thành một người như vậy đấy.

Con gái à, con có biết cả nhà mong chờ con đến thế nào không? Ba giờ đồng hồ kể từ lúc mẹ vào viện (2.30AM) đến lúc con ra đời (5.33AM) có lẽ chưa đủ lâu. Mình sẽ cộng thêm 12 tuần kể từ khi chúng mình "du sản" (Vợ của bạn tôi sau này vẫn kể rằng chồng cô ấy mong đến ngày tôi sinh nở mẹ tròn con vuông còn hơn cả chồng tôi nữa. Viết những dòng này, tôi lại nhớ hai bạn biết bao!). Có thể cộng thêm 30 tuần trước đó, kể từ khi mẹ biết rằng con sẽ trở thành thành viên trót trong nhà. Nếu vẫn chưa đủ lâu, mẹ sẽ cộng thêm 4 năm 8 ngày kể từ khi anh Kiki ra đời, bố đã mơ về con. Bé Sue ơi, thật không hoài công cả nhà mình mong đợi!

(Tiếp theo và hết: Buổi đầu lưu luyến ấy)

Đi đẻ

0 comments

(Kỳ trước: Prima Liv)


Anna nói vi tôi rng bn con d thường ra đi sm hơn con so, tuy chng có gì chc chn. Kỳ Phc sinh, em tôi bay sang "h đê" 10 ngày. Con bé tht không may vì vé máy bay thì đt, bn thân nó thì st, còn tôi thì không đ. Chúng tôi đã st rut kinh khng nhưng tuyt nhiên chng có đng tĩnh gì xy ra trong sut thi gian em bên tôi. Tôi va lo chun b l Phc sinh, va chăm em m, va lo con nh va cu mong mình đ và đi khám mi ngày. Em va v được đến Brussles thì tôi nhp vin. Các cơn đau đến dn dp, cách nhau 20 phút. Kiki được sơ tán đến nhà mt người bn. V chng tôi đưa nhau và bnh vin. Tôi đau hai ngày vi c t cung ch m 1-2cm. Ri các cơn đau giãn dn và biến mt. Con tôi vn chưa ra đi. Ngày d sinh đã qua ri. Tôi nói vi Kiki mi ngày v kế hoch đi đ ca c nhà. Con s đi đâu, vi ai, b m s vào bnh vin thế nào, khi nào m sinh em bé xong con s đến vi em như thế nào... Cho đến mt hôm, khi tôi va bt đu thì Kiki bo, m có mt kế hoch mi không vì con đã chán kế hoch này ri.

Có mt chuyn mà tôi phi k tuy không liên quan gì đến chuyn đi đ đó là Kiki ra riêng. Chúng tôi vn ng chung phòng t trước đến gi tuy Kiki nm riêng mt đm. Nôi ca em bé được đt phòng bên. Chúng tôi vn chưa biết làm cách nào đ Kiki đng ý " riêng" cho dù biết như thế s tt hơn cho con và cho c chúng tôi. Hai v chng quyết đnh mua mt cái giường đp và kê phòng bên như mt bước đm. Ri dn dn, chúng tôi s thuyết phc Kiki nm th mt mình bên đó. Chiếc giường được ch v và lp lên sau ba ti. Kiki hi tôi xem con có th nm th đó không. Bng nhiên con quyết đnh: T ti nay, con s ng phòng này. Bng nhiên, mi chuyn được gii quyết chóng vánh đúng như mong mun ca chúng tôi. Và bng nhiên, chúng tôi ht hng quá. Đêm đó, c hai chúng tôi không sao ng được. Hai đa thay nhau chy qua xem con trai ng bên đó thế nào. Chúng tôi nm trên giường và nhìn mãi vào cái góc kê cái đm trng không ca con. Tôi nh Kiki quá. Cu bé ng ngay bên phòng bên cnh và mơ nhng gic mơ đp đ trong cái giường mi tinh. Còn tôi, tôi nm ngóng tng cái ca mình ca con đ cho mình lý do chy bn sang phòng xem con ng. Ri em Sue s nm trong cái cũi đt chính nơi có cái đm này. Ri tôi s quen vi vic đi li như con thoi gia hai phòng tr con. Nhưng lúc này đây, tôi nh Kiki quá...

Mt cơn đau d di đến lúc na đêm. Na gi sau mt cơn đau khác ti và sau đó là 15 phút mt ln tôi co dúm người vì nhng cơn đau. Đau đ tht khó chu. Đu tiên là toàn b bng dưới như b bóp xon kinh khng. Sau đó cái đau lan ê m ra sau lưng. Chưa kp hoàn hn vi cơn đau lưng thì toàn b hông và đùi đã tê bi trong đau đn. Tôi gi đin cho cu bn và tranh th nhy vào bn tm. Mt chút nước m khiến tôi d chu hơn. Đ đc đã chun b xong t lâu. Con trai s được cun trong mt cái chăn m và "khiêng" vào xe cho ng tiếp. Bn tôi đến nhanh như đin khiến tôi quá đi ngc nhiên. Tôi hong hn hơn khi cu chàng thú nhn rng hi ti ung rượu say quá đến ni không th ng ni. Úi tri, tôi cn đi đ ch không cn được đưa đến phòng cp cu nha cu. Bn cười hì hì, gương mt vn hng hào lúc hơn 2h sáng. (Sau này, v ca bn nói vi tôi là chưa kp khóa ca, st rut mong tin thì đã thy bn bế thng cu nhà tôi v ri. T lúc tôi gi đin ri bn lên đường, đón tôi và đưa vào bnh vin cho đến lúc bn v đến nhà chưa đy 30 phút.)

Chúng tôi bm chuông và mt y tá đón tôi ca. Tôi được đưa đến phòng sinh ca mình luôn. Bnh vin tư nho nh, ch có 16 phòng sinh, người ta không có phòng đ sn ph nm ch đẻ như ở bệnh viện công nơi tôi sinh Kiki trước đây. Nếu may mn có phòng, hoc nhng người như tôi được đm bo có phòng vì đã đăng ký trước, sn ph s được nhp vin và vào luôn phòng sinh ca mình và ch ri đó sau khi m tròn con vuông và đ sc khe đ được chuyn lên "khách sn". Nhng ngày đông đúc, nhiu sn ph phi chuyn vin bng xe cu thương. Thông thường, người ta gi đin đến bnh vin trước khi đến, vì thế người ta có th biết trước xem đó còn ch hay không, cn phi đến bnh vin nào nếu đó hết ch. Đêm nay tht yên tĩnh. Tôi là người th 2 nhp vin k t ca trc ti hôm trước. Sari là n h sinh ca tôi đêm nay. Ch mnh d, đim tĩnh và ít nói nhưng mi khi ch nói, thông tin luôn đy đ m theo mt n cười. Tôi t hi, không hiu, người ta có phi hc cười trong chương trình đào to y tá không nh?? Tôi thy y tá ở đây hay cười. Các cơn đau đến dn dp lm. Chúng tôi "tua" nhanh kế hoch sinh ca tôi, nguyn vng dùng th thut gây tê ngoài màng cng và mt s chi tiết khác. Tôi đau m mm c người và hít ly hít đ "khí cười" trong cái mt n mà chng tôi đưa cho. Ơn gii (hay ti tri??), chúng tôi đã "din tp" đây hai ngày tri trong ln "báo đng gi" nên chng tôi đã rt thành tho vi mi th trang thiết b cũng như đường đi li li, cách sp xếp ca khoa sn và làm quen c vi mt vài y tá, h sinh và bác s. Tôi thy anh bt tay mt bác s sn khoa ra chiu thân mt. Cô y cho tôi hay rng đã quá mun đ tiến hành th thut gây tê ngoài màng cng cho tôi ri. Cô y s trao đi vi bác s gây mê đ tôi được thc hin mt th thut tương t nhưng ch vi mt mũi tiêm duy nht có tác dng trong vòng 2-3 gi. Hi vng rng, tôi s có th sinh n xong xuôi trong thi gian đó. H??? Vy ch nếu hết 3hrs mà tôi đ chưa xong thì coi như tôi ri đi còn đâu. Tôi gin cái cơ th mình bng đâu m toang hoác 2cm trong c tun tri đ ri đùng mt cái, khi tôi va đau như điên là nó đã chy rt qua cái thi đim tôi có th được xài epidural. Ác gì đâu!!

Bác s gây mê là mt người gy nhng. Tôi l đ nhìn ông sau khi hít tht phê mt phi khí cười. Cái đau du xung tí to. Li nhng ch dn như cách đây 4 năm 8 ngày. Tôi biết mình s phi nm nghiêng v mt phía, co người li như con tôm và c gi mình tht yên khi bác s cm cái kim dài c gang tay kia vào lưng tôi. Nhưng tình hình gi đã có nhiu thay đi. Tôi nng gn 90kg trên tng chiu cao tính k cũng ch nhnh hơn đa hc sinh lp 7. Trong bng tôi là mt em bé d tính s to chng trên dưới 4kg. Nếu có bài toán nào hóc búa hơn cho chng tôi gii quyết bng computing science ca anh thì đó s là làm sao đ tôi co người như con tôm được. Cui cùng, sau khi tôi đã c gng hết mc có th, tôi vn nm đun đun trên bàn đ, nghiêng v mt phía. Bác s gây mê thì dùng hết trí tưởng tượng đ tìm trên cái lưng phng lỳ, nn nn nhng tht là tht ca tôi cái đt xương sng, nơi ông cn đâm kim vào. Tôi cm thy cái kim đi vào lưng tôi và bt thình lình, tôi đá chân phi mt phát tht mnh, xém chút vào Sari. Tôi th là không h cáu gin hay ch đnh đá ai. Vào cái lúc nước sôi la bng thế này, tôi biết mình phi x s chun mc, theo đúng li bác s lm ch. Nhưng tht s là tôi đã đá mt cú. Đó là do cái kim nhm ch ca bác s. Nó đã chc trúng vào mt cái dây thn kinh nào đó khiến cái chân phi ca tôi git tung lên. M hôi rơi trên trán bác s gây mê. Gi đến mt cú chc khác, mi chuyn phi chun xác. Tôi căng thng cc đ. Các cơn đau dn dp. Con tôi sp chào đi ri.

Sau mt na cái tích tc, tôi bng thy mình nh bng. Chng còn cơn đau nào. Tt c biến mt như người ta ly gi, lau sch mt tm bng, chng đ li du vết gì. Bác s gây mê xin li v cú đá ca tôi và hi tôi xem tôi có cm giác chân không. Mi chuyn n c, tôi vn biết là tôi có hai chân đây. Thm chí, tôi ngi nhm dy và th đng trên chân ca mình mà thy rõ là tôi có cm giác rt tt v nó. Tôi đi ti đi lui vài bước cho bác s xem. Vy là tôi đáp ng vi spinal (tên ca th thut) mt cách hoàn ho. Mt vài sn ph khi không thy đau bng đng thi vi vic mt cm giác chân và thm chí không đng lên được. Mt vài người khác thì thm chí không gim đau được bao nhiêu. Đúng như bác s gii thích vi tôi t trước, nếu th thut được tiến hành quá mun thì chng có ích bao nhiêu. Vi tôi, có l tôi mang trong bng mt cô bé may mn nên mi vic n c. Tr cú đá không mong đi, tôi đang hoàn toàn khe khon, không đau và ch đến gi G.

(Tiếp theo: Giờ G)