Tuesday, September 16, 2008

Dạt

0 comments

Dạt là một từ mới. Mẹ bảo, từ này mới ngay cả với mẹ. Hồi mẹ bé, người ta chỉ biết dạt với nghĩa là bị xô đẩy theo một hướng nào đó, trôi dạt. Bây giờ, một ai đó bỏ nhà đi lang thang người ta cũng gọi là "dạt nhà". Tóm lại là ai đó mà không ở đúng chỗ, ngủ đúng chỗ của mình thì gọi là dạt, phải vậy không?? Nếu đúng vậy, đêm nào mình cũng dạt. Mà không chỉ mình mình dạt, cả nhà này ai cũng dạt hết, dạt có tổ chức đàng hoàng à.

8 giờ tối, thường thì vào giờ này mình và em đã ngủ say rồi. Nhưng gần đây, mình trằn trọc lắm. Bên phòng ngủ của bố mẹ, cái giường cũng êm hơn, cái chăn cũng ấm hơn. Mùi cà phê của mẹ thơm phưng phức quện với mùi nước trà của bố tạo ra một thứ hấp dẫn đặc biệt. Bố mẹ đang ngồi xem TV cùng nhau hoặc là mỗi người ôm một máy tính vừa làm việc, vừa chát chít với nhau vớ vẩn. Mình rất tò mò muốn biết bố mẹ đang nói gì về tội lỗi mới của mình mà cô giáo mới mách hôm nay. Thực tình, mình chẳng muốn ngủ sớm tí nào. Nhưng nếu mình cứ nằm ở đây và nghe ngóng, chẳng mấy chốc mắt mình sẽ díp lại và mình sẽ ngủ mất. Vậy thì mình cần một lý do để ra ngoài kia. Đầu tiên là mình đi tè này. Nằm một lát mà lại thấy buồn ngủ thì mình sẽ dậy uống nước này. Mẹ lại duổi mình vào sau khi đã thơm mình chút chít một lát (bị mẹ phàn nàn nhưng lại vẫn được mẹ thơm thì mình cố chịu vậy). Không ổn, mình lại buồn ngủ rồi. Mùi hương và câu chuyện ngoài kia vẫn hấp dẫn quá, mình quyết định là mình sẽ "bị tịt mũi". Không nói dối đâu, mũi mình tịt thật mà. Một bên mũi tịt ngắc luôn á. Nhưng nếu mình thực sự muốn ngủ, mình vẫn ngủ được, có điều... Mẹ kêu trời khi thấy mình lại đẩy cửa đi ra. Thế rồi thay vì quay trở lại phòng, mình đi vào phòng mẹ, nằm vào trong đám chăn đệm êm ái thơm tho của bố mẹ. Hôm nào mẹ hiền, mẹ sẽ dỗ mình quay trở lại giường của mình, hoặc bố sẽ bế mình trở lại. Hôm nào "thời tiết xấu", bố sẽ quát khe khẽ và mình đành phụng phịu rút lui. Mình nằm một lát và buồn ngủ lắm. Mình vẫn cố nghe ngóng và tự nhủ, mình sẽ chỉ ngủ một tí thôi. Và...

Dạt 1

Mình mở cửa đi ra khỏi phòng. Lúc này là nửa đêm. Thường thì bố hoặc mẹ hoặc cả hai vẫn đang làm việc. Mình mắt nhắm mắt mở đi tè rồi "mộng du" chui vào giường bố mẹ. Bố hoặc mẹ sẽ đưa mình trở về giường, "kết thúc tốt đẹp chuyến viếng thăm" ngắn ngủi của mình.

Dạt 2

Mình trở mình và phát hiện ra mình đang nằm vắt vẻo qua Crocco. Phòng tối và hơi mát mẻ. Em Sue ngủ với cái mông chổng lên trời. Mình đi ra ngoài tìm chút nước uống và phát hiện ra mẹ ngủ gật trên soffa. TV vẫn còn đang nhấp nháy những bộ phim đêm. Mình chui vào chăn của mẹ và nằm trở đầu đuôi với mẹ. Tuy không êm bằng giường của mẹ, nhưng ấm áp và êm ái lạ, mình thiếp vào trong một giấc mơ vui vẻ.

Dạt 3

Mẹ tỉnh giấc vì một cái gót chân chọc ngay giữa ngực. Hic, thế là mẹ lại xem phim đêm và ngủ quên trên sofa. Kiki đã chui vào đầu kia của cái chăn từ khi nào. Anh chàng cựa mình và tặng mẹ một cái gót chân ngay giữa ngực. Mẹ rón rén dậy, đắp lại chăn cho Kiki và khe khẽ vào phòng với bố.

Dạt 4

Giấc mơ của mẹ bỗng có những tiếng gọi mẹ ơi, mẹ ơi nho nhỏ. Đầu tiên, nó như một tiếng vọng. Rồi nó lớn dần, lớn dần, kèm theo tí thổn thức. KHông phải là mẹ mơ, đó là những tiếng gọi thật. Em Sue tỉnh dậy lúc 4-5h sáng và nhận ra la em rơi mất ti giả. Em cầu cứu mẹ. Mẹ nhón chân vào phòng, tìm cho Sue cái ti giả. Em ngủ ngay nhưng phải ôm cứng lấy tay mẹ. Mẹ buồn ngủ quá. Mẹ không đủ kiên nhẫn để chịu đựng tiếng khóc của em hoặc để bắt em ngủ lại một mình. Nếu em làu nhàu, mẹ đưa em về giường cùng mẹ. Thỉnh thoảng, em ngồi nhỏm dậy, tỉnh như sáo và lần mò đi trong bóng tối từ phòng em sang phòng mẹ luôn. Em nhẹ nhàng luồn vào chăn cùng mẹ, tìm cái tay mẹ, ôm cứng lấy nó và bắt đầu lần sờ. Chỉ tí teo là em ngủ.

Dạt 5

Kiki bị đánh thức bởi tiếng em gọi mẹ hoặc bởi cái gì đó. Anh chàng bỏ rơi cái sofa và chui nốt vào phòng bố mẹ luôn. Giường chật cứng rồi, chẳng còn chỗ nào, anh ta nằm ngay dưới chân bố mẹ.

Dạt 6

Cái giường bỗng trở nên chật chội. Bố muốn vươn vai, duỗi chân một cái nhưng dù bố thử vươn về hướng nào cũng bị vướng vào không mẹ thì hoặc là anh hoặc là em. Mỏi ê ẩm, bố mắt nhắm mắt mở dạt qua phòng của anh em mình. Giướng chiếu giờ trống không. Bố thường nằm ở giường của Sue rồi ngủ ngon lành.


7h sáng, mình tỉnh giấc. Mình thường thức dậy trước tiên và rất ngạc nhiên (nhưng cũng rất sung sướng) khi thấy mình nằm cạnh mẹ. Rõ ràng, đêm qua mình ngủ ở phòng mình cơ mà. Nằm cạnh mẹ ở phía bên kia, em Sue đang ngủ ngon lành cũng bừng mở mắt ra. Hai anh em chào nhau thắm thiết và dắt tay nhau ra phòng khách. Bọn mình đi rất khẽ vì bố mẹ vẫn còn đang ngủ. Mình bật TV xem một chút chương trình trẻ con buổi sáng. Mình nhìn đồng hồ rồi. 15 phút nữa, mình sẽ gọi mẹ dậy giúp mình đánh răng rửa mặt, ăn sáng và chuẩn bị đi học. Thế là hết một đêm, cả nhà ai cũng... dạt.

Mẹ thương Sue không??

0 comments

Em Sue giờ đã biết nói giỏi rồi. Em biết nhiều từ và mỗi khi em nói người ta không còn phải đoán ngược đoán xuôi mới hiểu nữa. Em thường cong cái môi của em lên và hỏi mẹ: "mẹ thương Sue không? Sue ngoan rồi". Thường thì em rất ngoan. Phần lớn thời gian em dành để đọc sách, chơi búp bê và các trò con gái. Phần còn lại, em dành để giành nhau đồ chơi với bạn, với anh, chiến đấu để được sở hữu mẹ hoặc bà Gittan cho riêng mình. Mỗi khi em chưa ngoan, chỉ cần người lớn nghiêm khắc nói với em như thế là không được, em sẽ đứng im ở đó, mạt xụ ra một đống và thỉnh thoảng thì rơi một xô nước mắt. Nhưng mà nhờ thế mà em nghe lời, em không tiếp tục phá nữa, mỗi tội, người ta phải nghe em khóc hơi lâu. Sau một lúc vật vã với tội lỗi của mình, giằng xé tâm can giữa việc khóc tiếp hay nín, phá tiếp hay ngừng, em sẽ bất ngờ nín bặt như chưa từng khóc. Em đã chọn được "con đường sáng" và mẹ sẽ được nghe em cất tiếng cong veo: "mẹ ơi, Sue ngoan rồi. Sue nín. Mẹ có thương Sue không?"

Mẹ thương Sue lắm chứ. Mẹ biết Sue có cá tính và bản lĩnh đầy mình. Mẹ biết Sue muốn thử cái tôi trong tuổi lên hai đầy vật vã này. Mẹ biết hết. Mỗi khi Sue khóc mà mẹ không dỗ, nghĩa là mẹ ngồi từ đằng xa nóng lòng chờ xem đồng hồ xem Sue khóc bao lâu, nghe xem tiếng khóc thống thiết cỡ nào để mẹ tính xem có cần chạy đến chìa cho Sue một vòng tay. Mỗi khi mẹ đồng ý, bật đèn xanh cho anh Kiki "xử" Sue là mẹ phải canh me và thầm cầu trời để anh Kiki nương tay với Sue một tý. Mẹ yêu cái tính đồng bóng và điệu đàng chảy nước của Sue. Mẹ thương cái môi cong cong hay nói những lời nũng nịu của Sue. Mẹ yêu cái sở thích kỳ lạ thích xờ tay mẹ của Sue nữa. Không có cái gì thuộc về Sue mà mẹ lại không thây yêu hết cả.

Anh Kiki cũng hay hỏi mẹ xem mẹ có yêu con không. Mẹ cũng yêu anh Kiki nhiều như thế đấy. Có điều, tình yêu dành cho con trai cũng phải rắn rỏi hơn, thế thôi.

Hờ óc hóc nặng HỌC

0 comments

Thế đấy Học tức là Hóc Nặng. Cái sự học của mình cũng bắt đầu như thế. Mình đã 6 tuổi rồi. Tất cả trẻ con tuổi đó phải đến trường. So với các bạn ở Anh (như bạn Đăng nhà bác Liên ròm chẳng hạn) thì mình còn sướng chán vì mình đi học sướng tỉnh tình tinh. Các bạn ấy 4 tuổi đã biết thế nào là đồng phục và hóc nặng. Mẹ và bố đã bàn nhau về cái sự học của mình từ lâu. Công cuộc tìm kiếm trường sở, chọn thầy chọn bạn cũng bắt đầu từ lâu lâu. Mình cũng đã được đến thăm trường và làm quen với cô giáo ở Thụy Điển. Nhưng giỏi tiếng nước ngoài mấy mà không biết đọc biết viết tiếng nước mình là vứt đi - bố bảo thế. Chính vì thế mà mình được đi học trước các bạn trong lớp, học mùa hè, học một mình với một cô giáo thôi và cả nhà phải bay một chuyến bay dài để phục vụ cái sự học của mình.

Mẹ thừa nhận là không có khả năng sư phạm (cái này mình không hiểu là cái gì, chắc là mẹ không có một cái gì đó quan trọng) nên không thể dạy mình được. Giọng mẹ thường cao dần và nghẹn ngào ở những nốt cao nhất và đó cũng là lúc mình cáu điên lên và khóc cùng - like mother like son - hehe, mẹ nào con đấy, nếu tây nó hiểu. Ngày đầu đưa mình đến trường, mẹ cũng nói trước với cô cái sự khó khăn của hai mẹ con. Mẹ phát hoảng khi cô bảo là mình sẽ chỉ học với cô 2 tiếng rưỡi, mà theo cô, như thế là rất ngắn, vừa sức của những bạn mới bắt đầu. Mẹ để lại cho cô vài số điện thoại khác nhau và dặn đi dặn lại là nếu mình không học được thì cô cứ gọi điện để trả mình "về địa phương". Mình thì thấy học chẳng khó gì là khó. Khó nhất là phải ngồi trật tự nghe cô nói và làm đúng những điều cô bảo. Nhiều khi, mình muốn kể chuyện gì đó hoặc bất chợt thấy có cái gì đó hay hơn mà mình muốn thử làm thay vì làm như cô bảo. Cô và mình cùng nói tiếng Việt nhưng rất nhiều điều mình không hiểu. Nào là ô li, nào là điểm đặt bút, nào là nét sổ, nét hất... tất tần tật đều mới đối với mình. Cô thì thích dạy mình viết luôn chữ nhỏ nhưng mình thì chỉ viết chữ to thôi. Này, mình biết làm toán đấy. Viết chữ nhỏ thì phải viết nhiều hơn chữ to, dại gì cơ chứ. Tính mình thích các thứ phải đẹp ngay nên mình tẩy đi tẩy lại một chữ đến khi nó đèm đẹp như ý mới thôi. Cô giáo thì rất ngạc nhiên khi mình có thể viết đẹp và nhanh bằng tay trái. Trời ạ, tay trái của mình thì khác gì tay phải của cô. Ở nhà trẻ của mình, chẳng ai uốn nắn một đứa trẻ phải ăn bằng tay nào, vẽ bằng tay nào cả. Cứ tay nào xúc nhanh và gọn, tay nào viết đẹp vẽ hay thì ta xài thôi. Buổi học đầu tiên trôi qua rất nhanh. Mình viết hẳn 3 trang làm cho mẹ lé cả mắt khi đến đón. Mẹ đồng ý để cô dạy mình cả toán nữa vì cô bảo nếu chỉ học đọc và viết thì mình chán rất nhanh. Sau này, chính cái môn toán, môn-học-thêm-cho-khỏi-buồn, của mình lại khiến mình tự hào nhất. Mình được toàn điểm 10 và được cô khen là làm toán nhanh cơ đấy.

Mình "đến trường" tất cả các ngày... không nghỉ. Nói thì có vẻ khó hiểu nhưng đúng là mùa hè, mình có nhiều việc bận rộn và việc học khi đó phải tạm gác qua một bên. Mình ôn bài đọc khi đi trên xe ô tô và tập viết trong nhà hàng hoặc trong lúc chờ cả nhà đi đón cô dâu cho anh Dũng. Việc làm bài ở nhà cũng không dễ dàng lắm. Mình và ông ngoại thường học ầm ỹ như mổ bò. Ông thì luôn cho rằng mình đã viết quá đẹp không cần sửa lại. Mình thì không thể yên tâm nếu mỗi chữ không tẩy đi viết lại đủ 4 lần. Ông nội thì cho rằng sau khi đi bơi về mình sẽ thoải mái và viết rất nhanh. Nhưng ông thường không thể gọi mình ra khỏi bể bơi vào đúng thời gian đã định mà thường là mình bơi quá cả tiếng đồng hồ. Thế là lại có một cuộc hò dô để mình ăn thật nhanh, viết thật nhanh cho đủ bài mang đến lớp. Mỗi khi trở lại "trường" mình có cả tỷ chuyện để kể cho cô nghe. Lớp học giờ không chỉ có mình mình mà còn nhiều anh chị khác. Mỗi người ngồi một bàn và làm một việc khác nhau. Trong lúc cô dạy mình tập đánh vần thì các anh chị làm toán. Trong khi mình tập viết thì cô lại dạy các anh chị cộng trừ hay viết lách cái gì đó khó hơn. Có chị thì ngồi chép bài mà cô giáo đọc (sau này, mẹ giải thích cho mình đó là môn chính tả). Trường rất nóng vì ở gần mặt trời (nhà cô cao tít, lớp học ở tầng trên cùng nên gần mặt trời nhất). Hôm nào chỉ có mình và cô thì cô "chuyển trường" xuống phòng ăn mát mẻ ngay tầng một. Đi học tuy hóc nặng nhưng không phải không vui. Hôm thì cô nấu chè, hôm thì cô pha nước chanh cho mình uống. Em Đạt, con trai cô, cũng thích học với mình. Cô thường thưởng bim bim cho ai làm bài nhanh nhất hoặc được điểm cao nhất. Em Đạt lúc nào cũng chỉ thích thắng thôi.

Chẳng bao lâu thì mình đã học xong bảng chữ cái và viết được những chữ K rất đẹp bằng tay trái. Điều này làm cô cứ nhắc đi nhắc lại mãi (chắc vì cô chưa từng thấy ai viết tay trái được chữ K đẹp như mình làm). Mình chuyển sang học các phụ âm ghép và vần. Tiếng Việt rất khó và người ta không thể học tiếng Việt trong vòng 20 buổi học được. Vì thế, đến tận ngày mình rời Việt Nam về nhà thì mình vẫn chưa học hết các vần. Cô giáo tặng mình một cuốn vở đọc và giao cho mình bài tập làm trong cả một năm. Cô dặn mình phải làm hết bài để hè tới cô sẽ kiểm tra. Ái chà, bài tập cho một năm là nhiều lắm đó.

Bây giờ không có cô, mẹ con mình vẫn đang làm bài tập. Ngày nào mình cũng phải đánh vần. Mình cố gắng đọc trơn nhưng rất chậm và rốt cục thì mình phải đánh vần to lên cho mẹ giúp đỡ cùng. Mẹ thì đã đỡ cao giọng nhưng không hiểu sao lúc học với mẹ mình thường mỏi cổ, ngứa người, đau buồn trong chân tay và không tập trung như khi học cùng với cô giáo. Mình đang đánh vật với dấu huyền (`), dấu sắc (´) vì hai cái dấu quỷ quái này hay khiến mình lẫn lộn với nhau. Nhưng không sao, không hóc nặng thì làm sao gọi là học được.



Anh Kiki đi học Carolla và Lollo rồi. Cả tuần vừa rồi anh ấy chỉ học 1 chữ A. Ở Thụy Điển, người ta thong thả dạy mỗi tuần 1 chữ thôi chứ không như ở Việt Nam, anh ấy học hết các chữ trong chưa đầy 1 tháng. Tuần này anh ấy học chữ S. Giờ thì anh ấy có thể viết tên anh ấy - ANH và viết được cả tên mình nữa - SUE. Anh ấy không cáu gắt mấy khi học tiếng Thụy Điển, không như khi học tiếng Việt. Có lẽ việc tìm những từ bắt đầu bằng chữ A, chữ S không khó bằng việc đánh vần. Mình chưa biết hết các chữ nhưng nghe anh đánh vần mình cũng học được ối rồi. Sau này mẹ khỏi phải cao giọng với mình vì mình đã tự biết hết cả. Sờ u su, ờ yêu yêu, mờ e me huyền mẹ. Đấy, mẹ thấy Sue đánh vần giỏi hông?

Tháng sáu

0 comments

Tháng sáu trôi qua thật hiền hòa. Nắng rất ấm và cỏ rất xanh. Trên những bãi cỏ mướt mát, rất nhiều cô đẹp, và cả các bà đẹp, chú đẹp và bác không đẹp đua nhau nằm sưởi nắng. Bằng giờ này năm ngoái, bố đang tích cực giúp mẹ rửa bát đũa. Cửa sổ bếp mở ra khoảng sân tuyệt vời nhất nơi bố có thể "rửa bát thư giãn" với một giàn người đẹp đọc sách hay ngủ gật ngay bên khung cửa. Năm nay, bố bận đi công tác còn mẹ con mình thì hối hả chuẩn bị cho một chuyến đi dài về Việt Nam thành ra cái câu chuyện về "sưởi nắng" không còn nóng hổi như trước nữa.

Tháng sáu ở Việt Nam thật là chói chang. Mình xuống sân bay vào giữa trưa một ngày râm mát mà mồ hôi mồ kê vẫn tuôn như suối. Chẳng hiểu mẹ liên hệ kiểu gì với các ông bà mà khi mấy mẹ con đã ỉn một xe đầy nhóc đồ đạc quà cáp, len qua biển người chờ đón với đủ thứ tâm trạng và đủ chủng loại biển, băng rôn, cờ phướn, hoa hòe vẫn chưa thấy ai đến đón mấy mẹ con. Mình lo âu hỏi mẹ liệu có ai đón mình không. Mẹ chẳng thương cho tâm trạng sốt ruột của mình lại còn hù thêm, nói rằng nếu không ai đón thì chúng mình quay lại bên trong sân bay và lên máy bay về Thụy Điển. Ái chà, cái câu đó của mẹ khiến bụng mình có cái gì cứ cuộn hết cả lên. Nó khiến mình mếu máo. Bác Hà và bác Bengt cùng Cún và Kít đã có người mang hoa đến đón về rồi. Mình thì bị bỏ rơi ở đây. Em Sue cứ ngồi thu lu trong cái xe của em và mút chùn chụt cái ti giả. Em tò mò nhìn đám người đông đúc ở sân bay. Đúng là trẻ con, ở Việt Nam lúc nào mà chẳng đông như thế, có gì mà lạ chứ. Rốt cuộc thì ông bà cũng đến. Đầu tiên là ông ngoại rồi bà ngoại, dần dần cả chị Chi và ông bà nội cũng đã tìm thấy mình rồi. Gặp người nhà tỉnh hết cả người. Ít nhất thì mình cũng không phải ngồi trên cái máy bay chán phèo đó, bay lượn như chim suốt đêm để quay trở lại. Phùùùù... (Nói cho công bằng thì đi máy bay cũng không quá tệ. Em Kít rất chịu khó ngồi xem mình chơi game và hai đứa thoải mái nói tiếng Thụy Điển trong khi hai mẹ mải túm tụm uống cà phê và buôn chuyện).

Khi lên xe, mình và anh Kiki phải tạm chia tay. Mình ngồi trong lòng bà nội còn mẹ thì ngồi kế bên cho mình sờ sịt. Anh Kiki thì luyên thuyên leo lên xe của ông bà ngoại chạy tuốt đằng trước mất rồi. Xe chạy qua một cây cầu lớn và một dòng sông. Ngồi trên cây cầu cao mà nhìn xuống con sông khiến mình phấn chấn lạ. Sông, mẹ chưa dạy mình từ này bao giờ. Sông, sông, sông... mình cứ muốn reo lên mãi thôi. Mình ở nhà bà ngoại. Nhà có một cái sân cỏ xanh xanh và một góc râm mát dưới bóng cây mít và cây hồng xiêm. Đừng khen mình giỏi, đến anh Kiki cũng chẳng biết đó là cây gì, nhờ ông bà và mẹ nói cho mỗi ngày mình mới biết. Mẹ mua về một cái bể bơi con con. Mình thường bơi như cá ở trong đó mỗi ngày (như cá có nghĩa là bơi lội và uống nước trong đó luôn á). Ông ngoại là người trông coi bể bơi tốt nhất. Ông có thể để mình bơi hàng giờ mà không bắt mình lên cho đến khi mẹ chạy ra kêu á á và lùa tất cả lên cuốn khăn rồi mặc quần áo. Bà nội thật tội nghiệp vì bị gãy tay ngay hôm sau khi mình về. Thế là bà không bế được mình rồi. Mỗi ngày, chúng mình đến thăm bà và chơi với bà đến chiều mới về. Cuối tháng sáu, bác Hà và cả nhà lên Hà Nội, mẹ đưa tất cả đi đền Ngọc Sơn. Mình thấy con rùa to trông sợ sợ là. Chỉ có cái cầu gỗ đỏ đỏ, cong cong tên là Thê Húc là thích nhất. Mình chạy qua rồi lại chạy lại không biết bao nhiêu lần. Có một chuyện khiến mình rất ngạc nhiên là Hà Nội lúc nào cũng đông thật là đông. Ra phố đã đông, đến cái cầu con con nối vào ngôi đền nho nhỏ cũng đông quá thể.

Mình có nhiều người phải gặp, nhiều chuyện phải học và nhiều việc phải làm. Bố thì chưa về. Bà nội thì đau tay. Mẹ chạy đi chạy lại giữa hai nhà và muôn ngàn cuộc hẹn. Tháng sáu vèo qua với việc mẹ mất cái điện thoại ngay khi về đến nhà và hai anh em mình phải uống kháng sinh vì viêm tai mũi họng. Em Sue đã bắt đầu nói rất nhiều với một thứ tiếng Việt kì lạ, lơ lớ như tây. Mình thỉnh thoảng dịch sai ý em nhưng không sao, dịch sai dịch đúng gì em vẫn đánh mình chan chát. Tháng sáu đọng lại với 1 kí lô mà mình mới tăng thêm và hai cẳng chân nở đầy hoa gấm.

Hương tình yêu

0 comments

Mình thuộc hết mùi da thịt từng người trong nhà. Gục đầu vào ngực mẹ trưa nay có mùi tôm chiên bơ tỏi. Tóc mẹ thì thơm mùi dầu Aveda nhưng áo mẹ thì có một cục bơ tròn xoay bắn phải lúc nấu ăn trưa nay. Tay mẹ mịn và mát, xoa qua xoa lại một lát, mình tìm thấy một cái gì đó hơi sần lên và thế là mình ra sức cậy. hehe, đã gì đâu. Rồi mình lim dim ngủ. Cái cảm giác ngủ trong long mẹ như baby trong khi mình đã hơn hai tuổi rồi thật là dễ chịu khó tả.

Nếu được bố ôm, người bố sẽ rất nóng và đầy lông. Mình và bố sẽ có một cuộc chiến nho nhỏ giữa một bên tí tẹo và ra sức tấn công vào đám lông lá trên tay bố, với bên kia to lớn vững chãi nhưng đang hốt hoảng cản trở và trốn tránh những cú móc móc, gại gại móng tay mềm mềm trên da. Bố có mùi bụi và khói xe vì bố mới ra ngoài về. Anh Kiki chua loét mùi mồ hôi, trộn lẫn với mùi trà chanh. Anh ấy còn ám mùi điều hòa nhiệt độ vì hâu như anh ấy trốn mình vào trong đó để chơi game hay vẽ vời, chơi bài cũng như xem phim hoạt hình, anti mọi hình thức vận động chân tay. Bà nội rất mềm với làn da nhiều nếp nhăn. Tay bà đau và sực nức mùi rượu và mùi lá thuốc tỏa ra từ vết băng trên cổ tay. Ông nội cho mình ngồi trên cái bụng to của ông. Thỉnh thoảng, ông có mùi nước rửa bát hay nước cọ sàn nhà vì ông lúc nào sẵn lòng giúp bà, giúp mẹ hay bác lau nhà hoặc cọ sàn. Bác Lan có mùi phấn và keo sịt tóc thơm thơm. Anh Dũng bảnh chọe có mùi chú rể. Bà ngoại lúc thì có mùi bột cám gà khi mới từ chuồng gà ra, lúc thì thơm nức mùi sữa tắm Dior. Áo bà lúc nào cũng có một mùi oải hương đặc biệt. Ông ngoại có mùi rượu thuốc. Còn bác Neo có mùi lam lũ từ trong cái bếp đun rơm… Ai cũng có một mùi đặc biệt và thân thuộc. Mình cũng giống con Men – con chó nhà bác Hùng, nhận ra mọi người nhờ mùi hương khác nhau. Mình cũng không thích người lạ vì họ có mùi kỳ cục. Con Men cũng thế, nhưng khác mình nem nép bỏ đi, nó sủa lên rất khiếp, ra chiều giận dữ. Mùi Việt Nam cũng khác mùi Thụy Điển. Mùi gốc mít khác với mùi cây thong. Mùi nắng oi nồng khác với mùi tuyết lạnh. Mùi biển tanh tanh ở Đồ Sơn khác với mùi bãi tắm ở Växholm. Ngay cả đường phố mùi cũng khác nhau, mùi bụi mỗi nơi cũng khác. Người lớn thì hay phàn nàn nơi này ô nhiễm, chỗ kia khói bụi. Mình thì chẳng phiền. Với mình, mỗi mùi là một tí cuộc sống mà mình đang thử. Mùi nào cũng thú vị, đáng yêu.

Em Sue ưa dụi vào lòng mẹ và sờ sịt khắp nơi. Nhìn cái mặt lờ đờ như phê thuốc của em ấy buồn cười thật. Em có mùi thơm thơm của trẻ con trong tóc và đầy một bỉm cứt thôi dưới mông. Thỉnh thoảng em không cho mẹ tháo cái bỉm đã quá tải ra nên người em có một mùi nước tè trẻ con khai nhè nhẹ. Buổi sáng là lúc cả nhà bốc mùi. Toilet chật ních 4 người chen vai thích cánh, giành nhau cái bồn rửa mặt để vệ sinh cá nhân trước. Không hiểu sao bố mẹ lại hôn nhau vào lúc ấy được cơ chứ. Mình thề là sẽ không lấy vợ vì không thể yêu nụ hôn buổi sáng của bất kỳ ai, mà nói chung là nụ hôn bất kỳ buổi nào mình cũng đều không thích cả. Mà không thích hôn thì không thể lấy vợ được. Mẹ bảo, khi đã yêu ai đó mình sẽ không còn thấy phiền về mùi vị của người ta nữa, thậm chí còn thấy nhớ nếu thiếu thốn nó nữa cơ đấy. Chả trách, mỗi khi đi công tác, mẹ cứ gói theo cái áo hôi rình của mình. Hihihi, mùi mồ hôi chua loét ấy chính là hương tình yêu, eo…

Hạnh phúc là...

0 comments

Là một buổi sáng mai oi nồng được nhìn con vùng vẫy, chơi đùa trong làn nước ấm áp với ông ngoại ngồi canh chừng bên gốc mít và chơi trò bắn súng nước với các cháu. Là nghe tiếng con cười đùa, la hét và thấy cha mình như trẻ lại cùng những trò chơi với trẻ con. Là tạm quên đi những âu lo về những người ở xa, những người nằm viện, người ốm nằm nhà hay cả bản thân mình không vui vẻ và khỏe mạnh để được tiếp thêm sức lực từ sự vui vẻ từ cái bể bơi ngoài gốc mít kia.

Hạnh phúc là thấy ổn ngay trong một ngày nắng oi nồng

Nhớ nhà

0 comments

Mình càng gần đến ngày về nhà lại càng nhớ nhà. Đi ra vườn gặp chút nắng, chút mưa phùn cũng nhớ nắng nhớ mưa ở nhà. Cho con đi chơi vườn thực vật, gặp chút nóng nồm cũng nhớ những ngày không dám mở cửa sổ vì trời nồm chảy nước khắp mọi thứ, thấy một cái hoa cũng nhớ cái hoa bên bờ tường ở nhà. Lâu lâu chưa về, nhà bố mẹ đã bán, chuyển sang nhà mới mà lòng vẫn mơ về cái ngõ cũ đầy bờ tường số điện thoại khoan cắt bê tông và cây phượng ngay trước cổng. Mẹ thương con nhớ mấy cái cây to trước nhà nên đặt mua về những cái cây to tướng. Bưởi trồng buổi sáng buổi chiều đã hái quả vào ăn, hồng xiêm vừa trồng đã xum xuê cành lá. Nhưng vẫn nhớ hanh hao sắc phượng oi nồng. Chủ nhà mới chia mảnh đất cũ làm ba, ở một phần, bán hai phần kia mà vẫn còn kêu rộng, khéo xẻ phải được 4 mảnh. Chẳng có đất cho phượng, cây cũ bị đốn tận gốc rồi. Tiếc mãi vì mẹ không thể mang cây phượng theo khi chuyển nhà vì phượng đã bén rễ ở đâu là sống đời ở đó, rời đất cũ là chết ngay thôi. Chắc mình cũng giống phượng, rời đất cũ là lúc nào cũng héo héo trong lòng (hé hé nhưng bên ngoài vẫn tươi nguây nguẩy, nhỉ?)