Monday, June 2, 2008

Vì sự an toàn của bé

Với tư cách là cha mẹ của một em bé sơ sinh, thật tự nhiên nếu như bạn luôn thấy lo lắng về sức khỏe của bé, rằng bé chẳng tăng cân, rằng bé bị cảm cúm hay mắc bệnh gì đó. Nhưng ngày nay, khi sức khỏe và dinh dưỡng của bé đã được chăm sóc ngày một chu đáo hơn, nhiều bệnh hiểm nghèo có thể được chữa khỏi, tỷ lệ bé suy dinh dưỡng giảm thiểu, thì việc bảo vệ bé khỏi tai nạn, thứ cũng nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng của bé không kém gì bệnh tật và thiếu dinh dưỡng, lại chưa được quan tâm tương xứng. Là cha mẹ, người có thể cảnh giác và loại trừ, hoặc giảm thiểu những rủi ro xảy ra tai nạn cho bé, bạn nên chú ý một số loại tai nạn mà trẻ có thể bị ở những lứa tuổi nhất định với những khả năng vận động và tính cách nhất định. Những khuyến nghị dưới đây do Swedish Child Environment Council đưa ra.

Đối với trẻ từ 0-3 tháng tuổi
- Bàn thay tã của bé phải đủ vững và đủ rộng để bé lẫy lật mà không rơi xuống đất
- Không bao giờ rời mắt khỏi bé khi đang thay tã cho bé, cho dù bạn thay cho bé trên giường hay bàn thay tã. Vị trí an toàn nhất để thay tã cho bé là dưới sàn nhà, chỗ khô, sạch và kín gió
- Hãy đảm bảo là nôi của bé thật vững chãi, khoảng cách giữa các thanh chắn không quá 8,5cm, chiều cao thành nôi ít nhất 60cm
- Nếu bạn dùng tấm trải chống thấm bằng plastic, hãy phủ lên đó tấm ga trải cotton và giắt thật chặt dưới đệm
- Bé dứt khoát phải được mặc quần bên ngoài quần nilon chống đái dầm
- KHông để gối hay chăn dày trong nôi của bé. Đặt bé nằm ngửa hoặc nằm nghiêng khi đi ngủ. KHÔNG ĐẶT BÉ NẰM SẤP.
- Nhiệt độ nước phải bằng thân nhiệt (37oC) khi bạn tắm cho bé
- Nếu bạn có một cái ghế đung đưa cho bé, luôn đặt ghế dưới sàn nhà.
- Vứt ngay những cái ti giả khi nó đã cũ hoặc hỏng
- Nếu bạn ăn hoặc uống, thậm chí cầm đồ nóng, đừng bế hay ngồi gần bé lúc đó
- Hãy kiểm tra để đảm bảo rằng xe đẩy của bé có phanh an toàn và luôn nhớ dùng phanh mỗi khi bạn dừng xe
- Hãy kiểm tra để đảm bảo rằng khung xe chắc chắn và ghế/nôi của bé được gắn chắc vào khung
- Nếu đi bằng xe hơi, hãy đảm bảo rằng bạn có 1 chiếc ghế dành riêng cho bé, đặt hướng về đuôi xe, được cột chặt vào xe và mỗi khi bé ngồi trong đó bạn đều cài dây an toàn cẩn thận cho bé.

Đối với trẻ từ 3-12 tháng tuổi
Ngoài những điều cần lưu ý như khi bé dưới 3 tháng, khi bé từ 3-12 tháng, bạn hãy lưu tâm thêm:
- Không để bất kỳ túi, giấy thậm chí quần, tã bằng nilon trong nôi của bé (hoặc trong tầm tay của bé)
- Không bao giờ để bé ngồi một mình trong xe nôi
- Dùng thiết bị an toàn che hết các ổ cắm, adaptor, các đoạn dây dẫn có điện
- Kiểm tra đảm bảo rằng tất cả các dây dẫn, đèn hay thiết bị điện đều đảm bảo an toàn, không dò điện
- KHông để bất kỳ một đoạn dây dẫn hay công tắc dây lòng thòng trên sàn hoặc lắc lư trong tầm tay của bé, nhất là khi nó nối với bàn là, đèn bàn nặng, quạt hay bất kỳ thiết bị nào nặng mà bé có thể nắm đầu dây và kéo vật đó đổ vào người bé
- Đảm bảo rằng cái ghế ăn của bé không thể bị đổ nhào xuống
- Không bao giờ để bé ngồi một mình trên ghế ăn mà không có người lớn canh chừng
- Hạ thấp nhiệt độ của tấm sưởi để chúng không quá nóng khiến bé có thể bị bỏng khi chạm phải
- Cất tất cả dao kéo và các vật nhọn ngoài tầm tay của bé
- Cố định cái bếp để nó không thể bị đổ xuống
- Dùng tấm chắn để chắn bé không với vào mặt bếp đang nóng
- Nếu bạn có lò nướng, dứt khoát phải có tấm chắn chống nóng và khóa chắc chắn để bé không thể tự động mở lò
- Cất tất cả các loại xà phòng, bột giặt, chất tẩy rửa, hóa chất dùng trong gia đình khỏi tầm tay của bé
- Cất tất cả các loại thuốc men trong một ngăn kéo có khóa đề phòng trẻ con
- Đừng bao giờ để thuốc lá, bật lửa, diêm lung tung.
- Sau khi dùng, hãy đổ và rửa sạch gạt tàn ngay
- Đừng bao giờ để bất kỳ loại hạt gì rơi trên sàn, trên ghế... Bé có thể bị hóc, bị sặc, dị ứng hoặc nhét vào lỗ tai, lỗ mũi... bạn chẳng thể nào biết trước được, nên tốt nhất là cất những thứ đó cẩn thận
- Tất cả các cửa sổ đều cần được lắp khóa đề phòng bé trèo ra ngoài
- Vứt hết những đồ chơi hỏng hoặc nguy hiểm
- Cất những túi nilon bất kể lớn nhỏ ngoài tầm tay của bé
- Không để bé tự vặn vòi nước nóng
- Không trồng hoặc để mọc trong nhà trong vườn những loại cây độc
- Mặc áo phao cho bé mỗi khi chơi gần hồ, ao...

2 comments:

Unknown said...

HIc giờ em mới đọc bài này của chị. Ở VN giờ đang mùa hè, trời khá nóng và em toàn cho bé mặc quần đùi hoặc quần đóng tã (quần tam giác). Khi để điều hòa 29 độ em cũng chỉ cho bé mặc như thế và đi bao chân. Ko biết bé có bị lạnh ko chị.

Còn 1 việc quan trọng nữa em muốn hỏi chị. Chị trả lời em nhé. Bé nhà em dc 3 tháng 11 ngày. Từ tối hôm kia bé bắt đầu bị khịt khịt mũi. Em nhỏ nước muối sinh lí và hút mũi cho bé thì ra lần đầu là rỉ màu vàng. Từ các lần sau, em hút ngày 2 lần, thì ra nước mũi trong. Tiếp nữa là sau khi nhỏ nc muối xong thì bé ho mấy lần. Xa xa lúc nhỏ nc muối thì thỉnh thoảng 1 tiếng. Em nuôi con lần đầu nên ko có kinh nghiệm. Em chưa cho đi bsĩ vì chưa tìm dc bsĩ tin cậy. Chị trả lời em nhé. Em cảm ơn nhiều

Le Vy said...

Mình xin lỗi vì để nhà cửa vườn không nhà trống lâu quá. Mình nghĩ là với nhiệt độ 29oC thì bé mặc như thế là hoàn toàn ổn. Bé có thể bị viêm mũi họng vì nhiều lí do chứ không phải tại nằm trong phòng điều hòa. Một trong những lí do là không khí trong phòng không sạch, không thoáng vì thế bạn đừng quên mỗi ngày mở cửa thông khí cho phòng này ít nhất là 30 phút nhé. Nếu bé không sốt, không ho, nước mũi vẫn trong (không đục, không chuyển màu xanh hoặc vàng, không mùi) thì bạn chưa cần đưa bé đi bác sỹ đâu. Việc bé ho sau khi nhỏ mũi là bình thường do nước muối thừa chảy vào họng bé. Nếu bé không bị ho nhiều, rũ rượi thành cơn, ho không ăn, không ngủ được thì bạn cũng không cần lo nốt. Trẻ con thường ho để tống những thứ như đờm, dãi, dị vật... ra ngoài. Vậy là ho cũng tốt cho bé nên cứ để bé ho vài tiếng nhé :D