Tuesday, September 16, 2008

Tháng sáu

Tháng sáu trôi qua thật hiền hòa. Nắng rất ấm và cỏ rất xanh. Trên những bãi cỏ mướt mát, rất nhiều cô đẹp, và cả các bà đẹp, chú đẹp và bác không đẹp đua nhau nằm sưởi nắng. Bằng giờ này năm ngoái, bố đang tích cực giúp mẹ rửa bát đũa. Cửa sổ bếp mở ra khoảng sân tuyệt vời nhất nơi bố có thể "rửa bát thư giãn" với một giàn người đẹp đọc sách hay ngủ gật ngay bên khung cửa. Năm nay, bố bận đi công tác còn mẹ con mình thì hối hả chuẩn bị cho một chuyến đi dài về Việt Nam thành ra cái câu chuyện về "sưởi nắng" không còn nóng hổi như trước nữa.

Tháng sáu ở Việt Nam thật là chói chang. Mình xuống sân bay vào giữa trưa một ngày râm mát mà mồ hôi mồ kê vẫn tuôn như suối. Chẳng hiểu mẹ liên hệ kiểu gì với các ông bà mà khi mấy mẹ con đã ỉn một xe đầy nhóc đồ đạc quà cáp, len qua biển người chờ đón với đủ thứ tâm trạng và đủ chủng loại biển, băng rôn, cờ phướn, hoa hòe vẫn chưa thấy ai đến đón mấy mẹ con. Mình lo âu hỏi mẹ liệu có ai đón mình không. Mẹ chẳng thương cho tâm trạng sốt ruột của mình lại còn hù thêm, nói rằng nếu không ai đón thì chúng mình quay lại bên trong sân bay và lên máy bay về Thụy Điển. Ái chà, cái câu đó của mẹ khiến bụng mình có cái gì cứ cuộn hết cả lên. Nó khiến mình mếu máo. Bác Hà và bác Bengt cùng Cún và Kít đã có người mang hoa đến đón về rồi. Mình thì bị bỏ rơi ở đây. Em Sue cứ ngồi thu lu trong cái xe của em và mút chùn chụt cái ti giả. Em tò mò nhìn đám người đông đúc ở sân bay. Đúng là trẻ con, ở Việt Nam lúc nào mà chẳng đông như thế, có gì mà lạ chứ. Rốt cuộc thì ông bà cũng đến. Đầu tiên là ông ngoại rồi bà ngoại, dần dần cả chị Chi và ông bà nội cũng đã tìm thấy mình rồi. Gặp người nhà tỉnh hết cả người. Ít nhất thì mình cũng không phải ngồi trên cái máy bay chán phèo đó, bay lượn như chim suốt đêm để quay trở lại. Phùùùù... (Nói cho công bằng thì đi máy bay cũng không quá tệ. Em Kít rất chịu khó ngồi xem mình chơi game và hai đứa thoải mái nói tiếng Thụy Điển trong khi hai mẹ mải túm tụm uống cà phê và buôn chuyện).

Khi lên xe, mình và anh Kiki phải tạm chia tay. Mình ngồi trong lòng bà nội còn mẹ thì ngồi kế bên cho mình sờ sịt. Anh Kiki thì luyên thuyên leo lên xe của ông bà ngoại chạy tuốt đằng trước mất rồi. Xe chạy qua một cây cầu lớn và một dòng sông. Ngồi trên cây cầu cao mà nhìn xuống con sông khiến mình phấn chấn lạ. Sông, mẹ chưa dạy mình từ này bao giờ. Sông, sông, sông... mình cứ muốn reo lên mãi thôi. Mình ở nhà bà ngoại. Nhà có một cái sân cỏ xanh xanh và một góc râm mát dưới bóng cây mít và cây hồng xiêm. Đừng khen mình giỏi, đến anh Kiki cũng chẳng biết đó là cây gì, nhờ ông bà và mẹ nói cho mỗi ngày mình mới biết. Mẹ mua về một cái bể bơi con con. Mình thường bơi như cá ở trong đó mỗi ngày (như cá có nghĩa là bơi lội và uống nước trong đó luôn á). Ông ngoại là người trông coi bể bơi tốt nhất. Ông có thể để mình bơi hàng giờ mà không bắt mình lên cho đến khi mẹ chạy ra kêu á á và lùa tất cả lên cuốn khăn rồi mặc quần áo. Bà nội thật tội nghiệp vì bị gãy tay ngay hôm sau khi mình về. Thế là bà không bế được mình rồi. Mỗi ngày, chúng mình đến thăm bà và chơi với bà đến chiều mới về. Cuối tháng sáu, bác Hà và cả nhà lên Hà Nội, mẹ đưa tất cả đi đền Ngọc Sơn. Mình thấy con rùa to trông sợ sợ là. Chỉ có cái cầu gỗ đỏ đỏ, cong cong tên là Thê Húc là thích nhất. Mình chạy qua rồi lại chạy lại không biết bao nhiêu lần. Có một chuyện khiến mình rất ngạc nhiên là Hà Nội lúc nào cũng đông thật là đông. Ra phố đã đông, đến cái cầu con con nối vào ngôi đền nho nhỏ cũng đông quá thể.

Mình có nhiều người phải gặp, nhiều chuyện phải học và nhiều việc phải làm. Bố thì chưa về. Bà nội thì đau tay. Mẹ chạy đi chạy lại giữa hai nhà và muôn ngàn cuộc hẹn. Tháng sáu vèo qua với việc mẹ mất cái điện thoại ngay khi về đến nhà và hai anh em mình phải uống kháng sinh vì viêm tai mũi họng. Em Sue đã bắt đầu nói rất nhiều với một thứ tiếng Việt kì lạ, lơ lớ như tây. Mình thỉnh thoảng dịch sai ý em nhưng không sao, dịch sai dịch đúng gì em vẫn đánh mình chan chát. Tháng sáu đọng lại với 1 kí lô mà mình mới tăng thêm và hai cẳng chân nở đầy hoa gấm.

No comments: