Friday, April 17, 2009

Cái vòi nước lạnh

1 comments

Giáng sinh, con sang đón Noel cùng em giữa trung tâm châu Âu. Đường ống nước nóng trong bếp của em bị hỏng. Chị em loay hoay nấu ăn, rửa ráy bằng cái vòi nước lạnh. Lâu quá rồi con không rửa rau vo gạo bằng nước lạnh. Ở chỗ con, cứ vặn vòi là vô vàn nước nóng xối xả chảy. Bên em tuy không tự động thế nhưng nhà nào cũng có bình đun nước nóng. Cái lạnh tê cóng của vòi nước lạnh làm con nhớ mẹ, nhớ những ngày ở C2 Kim Liên. Cả dãy nhà tập thể chung nhau cái vòi nước dưới sân. Chiều chiều, hàng dãy xô, chậu, thùng được huy động xuống xếp một hàng dài. Các nhà í ới gọi nhau đi hứng nước cho đủ thứ nhu cầu hàng ngày. Vòi nước công cộng là nơi các mẹ, các cô chuẩn bị rửa rau vo gạo, giặt giũ và nói đủ thứ chuyện. Người đàn ông nào galant trong khu lập tức được nhận diện ngay. Các bác, các chú ấy sẽ giúp vợ xách nước, giặt đồ hay rửa bát. Một việc làm tốt lập tức được cả khu tập thể biểu dương.

Con nhớ những ngày mùa đông, mẹ giặt cả chậu đồ thật to dưới vòi nước. Nước rất lạnh và tay mẹ đỏ ửng lên. Con chẳng giúp được mẹ, chỉ mải mê nghịch những cái bong bóng xà phòng. Con nhớ bàn tay mẹ cũng đỏ ửng lên mỗi dịp Tết đến. Năm nào nhà mình cũng gói bánh chưng, rất nhiều bánh chưng, cho cả mấy nhà. Mẹ rửa cả trăm tàu lá dong, đãi hàng rổ đỗ. Thời đó đâu có đỗ xanh cà vỏ. Đỗ xanh hạt mua ngoài chợ phải đem đi xay vỡ rồi phải ngâm cả đêm để sớm mai mẹ dậy sớm đãi đỗ, vo gạo, gói bánh. Cái vòi nước là nơi mẹ nói chuyện với các bác các cô về giá cả gạo nước leo thang mỗi khi tết đến.

Nhà mình sang nhà mới. Bố bảo cả nhà chỉ cần chung nhau 1 bình nước nóng trong một nhà tắm nhưng phải có riêng bình nước nóng ở bếp cho mẹ rửa ráy, chấm dứt những ngày mẹ ngâm tay trong nước lạnh. Nhưng con biết, mẹ vẫn tiết kiệm không bật cái bình nước nóng ấy thường xuyên. Giờ thì có công nghệ nước nóng đun bằng năng lượng mặt trời, mẹ đã có nước nóng thoải mái dùng (hoặc chí ít cũng đủ tan giá mùa đông), con thì vẫn nhớ về vòi nước lạnh của mẹ.

Sang em, ngâm tay trong cái vòi nước lạnh, cảm nhận cái đau tê tái ở bàn tay bởi cái giá buốt của nước, con lại nhớ những ngày cũ, mẹ lúc nào cũng có bàn tay đỏ ửng mùa đông.

Cáu ư? Xin mời!

0 comments

Mẹ rất thích chương trình rèn luyện kỹ năng xã hội và biểu cảm ở trường Kiki. Các con được học cái này nhiều hơn cả học toán và ngôn ngữ trong năm đầu đi học. Kiki rất hăng hái học SET vì con thấy học cái này thật dễ và vui. Hơn nữa, con có thể xài ngay những gì đã học ở lớp vào cuộc sống hàng ngày khiến có các buổi học lại càng thú vị vì có thêm nhiều ví dụ hay từ cuộc sống của con.

Mẹ ghi lại việc học SET của con, bắt đầu từ một cảm xúc không vui tí nào: CÁU

1. Cáu giận là gì?
Cáu giận là một cảm xúc như mọi cảm xúc vui, buồn, sợ hãi, phấn khởi... khác. Không có gì sai khi ta cáu giận.

2. Khi cáu giận ta cảm thấy thế nào?
Phần này bọn trẻ tự trả lời. Kiki nói là thấy mệt mỏi, thấy khó chịu trong người, thấy chân tay bồn chồn, thấy "đầu bị làm sao", thấy đau bụng.

3. Khi cáu giận ta thường làm gì?
Phần này bọn trẻ cũng tự trả lời. Kiki bảo là Kiki nói to, đóng cửa, muốn bỏ đi, muốn đấm đá. Có bạn khác thì bảo thích húc đầu vào tường hoặc đập phá đồ đạc, muốn bỏ lên bắc cực sống...

4. Khi ta cáu giận, phản ứng của những người xung quanh thế nào?
Phần này bọn trẻ cũng tự trả lời. Ở lớp Kiki, có nhiều bạn nói là khi chúng cáu giận, bố mẹ rất sợ hãi Thường là chúng biết những người xung quanh có thái độ không hài lòng. Bố mẹ cũng trở nên giận dữ. Anh chị em trong nhà giận dữ theo, hoặc là khóc lóc. Có một số bố mẹ hoàn toàn làm ngơ khi con cáu giận. Một số bố mẹ khác thì hỏi han. Các ông bà già thì thường tìm cách dỗ một đứa trẻ cáu giận Nói chung là mọi người không thích một bạn nhỏ cáu kỉnh và tình trạng thường xấu đi khi ta cáu.

5. Cái gì khiến ta nổi cáu
(Bọn trẻ con cũng tự trả lời) Kiki nói là phát cáu lên khi mọi thứ không đúng kế hoạch (ai đó hứa cái gì mà không làm, mọi thứ không đúng như anh chàng mong muốn, dự kiến...)

6. Làm thế nào để đỡ cáu
- Giải quyết nguyên nhân gây cáu
- Tránh các tình huống có thể dẫn đến cáu giận
Kiểm soát:
- Khi thấy sắp sửa cáu đến nơi (đèn vàng) thì phải tìm cách thay đổi tình thế ngay (ngừng ngay những việc có thể gây cáu).
- Thực hiện các biện pháp để hạn chế cáu giận (massage, hít thở, đếm nhẩm, đi dạo...)
- Nếu vẫn thấy cáu thì làm thêm một lần nữa các cách thức đó hoặc chuyển một cách khác
- Nếu vẫn cáu thì... cáu thôi

7. Khi cáu ta không làm gì?
- Không làm đau bản thân
- Không làm đau người khác (kể cả nói những lời làm đau người khác)
- Không đập phá đồ đạc (chúng không có lỗi)
- Không làm ảnh hưởng đến trật tự công cộng

Ta có thể
- Đấm vào gối
- Khóc
- Chạy ra chỗ nào rộng và thoáng (công viên, rừng...) để hét toáng lên (trước khi đi nhớ nói với bố mẹ, người lớn)
- Đi ngủ
- Tìm một chỗ riêng để ngồi, viết, vẽ...


Đấy, giờ thì ta đã biết hầu hết mọi thứ về cáu rồi. Nào, xin mời Cáu thoải mái thôi!!

Xin chào Việt Nam

0 comments

Kiki bắt đầu hỏi mẹ những câu hỏi về nguồn cội. Mẹ biết con muốn giống tất cả các bạn khác từ màu tóc, màu mắt, trò chơi, đến ngôn ngữ, suy tư. Mẹ biết con có nỗi buồn của một người luôn ở phe thiểu số. Điều đó khiến con dám "hi sinh" mọi thứ kể cả cái tôi của mình để được chấp nhận, để được hòa đồng với các bạn. Nhưng con thấy không, các bạn yêu quý con vì con rất khác biệt, vì con vui nhộn và nhường nhịn, vì con học giỏi và chơi lego cũng giỏi, vì con nói tiếng Thụy Điển buồn cười. Các bạn luôn muốn con chỉ là con vì nếu con là bạn thì có gì đặc biệt chứ? Hôm nay mẹ rất vui vì con được mời đi dự tiệc sinh nhật ở nhà Johannes. Anh David và em Sara của bạn ấy cũng đến từ nước khác - từ Hàn Quốc. Người ta có thể khác nhau mọi thứ nhưng có chung niềm yêu thương là có thể sống chung cùng một mái nhà mà con. Hãy giữ mình đúng là mình và mở lòng yêu thương con ạ. Mẹ luôn tự hào về con đấy

Có một bài hát mẹ thích từ ngày nó ra đời. Mẹ nghĩ là nó biết đâu sẽ hợp với các con khi các con lớn lên.

HELLO VIETNAM
http://www.youtube.com/watch?v=bK2pak9tmRo

Tell me all about this name, that is difficult to say.
It was given me the day I was born.

Want to know about the stories of the empire of old.
My eyes say more of me than what you dare to say.

All I know of you is all the sights of war.
A film by Coppola, the helicopter's roar.

One day I'll touch your soil.
One day I'll finally know my soul.
One day I'll come to you.
To say hello... Vietnam.

Tell me all about my colour, my hair and my little feet
That have carried me every mile of the way.

Want to see your house, your streets. Show me all I do not know.
Wooden sampans, floating markets, light of gold.

All I know of you is the sights of war.
A film by Coppola, the helicopter's roar.

One day I'll touch your soil.
One day I'll finally know my soul.
One day I'll come to you.
To say hello... Vietnam.

And Buddha’s made of stone watch over me
My dreams they lead me through the fields of rice
In prayer, in the light…I see my kin
I touch my tree, my roots,my begin

One day I'll touch your soil.
One day I'll finally know my soul.
One day I'll come to you.
To say hello... Vietnam.

One day I’ll walk your soil
One day I’ll finally know my soul
One day I’ll come to you
To say hello…Vietnam
To say hello…Vietnam
To say xin chào… Vietnam

Black Friday

0 comments

Friday, 21. November 2008, 20:55:32

Mặc dù tiêu đề như thế nhưng không có gì liên quan đến black friday vào tuần sau ở bên Mỹ. Từ hôm biết kế hoạch bố sẽ đi sang "bển" vào đúng mùa này, nhiều người đã hỏi sao không ở rốn thêm một hôm cho trúng ngày "hoàng đạo". Hí hí, hoàng đạo đâu chẳng thấy, chỉ thấy ngày hôm nay đúng là đen tối. Mẹ đi thi lái xe trượt cái oạch. Bà già bò vào đường cao tốc 110km của người ta mà ỉn ỉn có 70-80km, nhân dân nó xếp hàng ở đằng sau. Còn bố thì vốn là dân chuyên toán... Nhổn nên bố xém chút nhầm giờ bay. Bàn giao em cho mẹ "tại hiện trường" thế là bố quày quả lên đường. Mình thì đi học, mẹ thì ở nhà với em vì em bị ốm.

Buổi chiều, mình sướng phát điên khi thắng trò chơi Bingo ở trường. Phần thưởng là hai miếng nam châm nho nhỏ. Nhưng to nhỏ nào có thành vấn đề, thắng là thắng, là sướng, thế thôi!! Chơi ở lớp không dễ mà thắng được các bạn đâu. Lớp mình học là giỏi kinh khủng đấy. Tuần học chữ S chúng mình tìm được 63 từ, dán lên hết cả tường. Những tưởng thế đã siêu, tuần trước học chữ B, cả lớp tìm được 97 từ cơ đấy. Cô giáo phải gọi một chú cao lớn vào bắc ghế dán tít tận trần nhà, vì tường cũng không đủ chỗ nữa. Hế hế, tuần vừa rồi học đến chữ T thì cô đã mượn sẵn một cái thang. 102 từ dán từ sàn lên đến giữa trần nhà, nhìn thấy đã!!! Chiều về, mẹ và em đi mua sẵn pizza, món ngon mà mình ao ước từ lâu. Mỗi khi bố vắng nhà, mấy mẹ con mình thường xả láng mấy món ngon miệng, nặng bụng đó. Thế rồi mẹ phải đi giặt đồ. Bố đặt giặt giờ này vì nghĩ rằng bố sẽ ở nhà đến tận tối mới đi, còn kịp giặt ủi cho cả nhà. Ngờ đâu, bố phải te tái đi từ sớm. Mẹ hì hục xách đồ đi giặt. Mẹ đi đâu gì đâu. Đầu tiên thì mình thấy hơi buồn, sau đó thì mình thấy hơi sợ. Mình lại vừa xem hoạt hình về cô phù thủy Sabrina. Nghe sao có tiếng gió hú đâu đây. Mình định gọi điện cho mẹ nhưng mà không nhớ số. Ái chà, sợ quá thế. Nỗi sợ nó cứ xâm chiếm dần dần. Người mình cứ lạnh lạnh thế nào ấy. Mình mở cửa, chạy sang hàng xóm bấm chuông. May quá, bà Gunnila có nhà, cả Sulley, con chó cưng của bà nữa. Mình kể lể tình thâm là, mẹ cháu đi giặt đến mai mới về, cả em cháu nữa. Cháu sợ lắm. Tất nhiên là bà mời mình vào nhà. Hai bà cháu cho Sulley biểu diễn mấy màn nhặt đồ, ngồi nghiêm, bắt tay. hehe, mình quên hết cả sợ. Vừa mới sang bà một tý là mẹ đã bấm chuông nhà bà rồi. Mình hào hứng kể cho mẹ nghe xem Sulley đã lớn và giỏi thế nào.

Anh Kiki chán ghê, ở nhà với mình mà mắt dán vào TV không. Mình nhảy ra đứng trước cái TV hi vọng là anh ấy nhìn thấy mình thì anh ấy cứ hét lên như cái còi. Có gì đâu mà hét, cứ chơi với em là em không đứng trước TV nữa ngay. Thế là mình phải theo mẹ đi giặt. Ở nhà với ông anh mà không chịu chơi với mình thì ở làm gì. Mình ho này, mình sốt này vì viêm họng đấy. Bác sỹ bảo mẹ phải ở nhà với mình. Tốt quá, thế thì ngày nào mình cũng ốm được hết. Phòng giặt rộng mênh mông. Mình đẩy những cái xe đựng đồ giặt từ phía nọ sang phía kia, vừa chạy vừa hét. Mọi khi mà mẹ không vội, mẹ còn cho mình ngồi vào trong xe và đẩy vài vòng nữa kia. Hôm nay anh Kiki ngồi trên nhà. Mẹ lo lắng không yên nên làm gì cũng nhanh veo veo để còn xong cho sớm. Mình và mẹ lên nhà bấm chuông mãi mà không thấy Kiki ra mở cửa. Mẹ thử mở cửa, cửa mở toang, khôgn khóa. Anh Kiki không có nhà!!! Mẹ chay khắp các phòng vừa tìm vừa gọi. Áo của anh ấy vẫn treo ở đây vậy thì anh ấy đi đâu? Hay là có ai đó bắt mất anh rồi. Tất nhiên là có lúc mình cũng muốn ai đó bắt béng anh ấy đi để mình khỏi phải cãi vã, la hét với anh ấy nữa. Nhưng không có anh Kiki thì ai là người sáng sáng đắp chăn chung trên sofa với mình, ai là người lấy tã, lấy sữa lấy đủ thứ đồ ăn lặt vặt cho mình khi mình đói mà bố mẹ thì lại đang ngủ rốn. Mình cũng lo lây khi thấy mặt mẹ méo xệch. Mẹ lao ra cầu thang, la hét gọi tên anh Kiki. Khiếp, từ trước đến giờ ra khỏi cửa nhà là mình bị mẹ nhắc nói nhỏ, đủ nghe, thế mà giờ mẹ gọi anh to thế. Mẹ vừa bấm chuông vừa gõ cửa nhà bà Gunnila. Cửa mở, anh Kiki và Sulley cùng chạy ra một lúc. Bà ra sau mặt mũi hớn hở. Bà và anh vừa nói chuyện gì vui lắm. Mẹ chỉ thiếu nước khóc òa ra khi nhìn thấy anh Kiki thôi.

Bà Gunnila bảo là thật tốt khi mình biết gọi bà, nhờ giúp đỡ. Cũng may là mình đã được mẹ và cô giáo dặn trước rồi: Cứ gõ cửa rồi cửa sẽ mở. Y như rằng, hôm nay mình bấm chuông 1 lần là bà ra ngay. Mà sao mẹ phải sợ cơ chứ, mình có đi đâu đâu nào. Mẹ bảo, đi đâu phải bảo mẹ, phải khóa cửa. OK, nhưng cái lúc nước sôi lửa bỏng, nỗi sợ hãi sắp nuốt chửng mình mà mẹ bảo mình nhớ được ngần ấy thứ liệu có quá nhiều không?

Hú hồn hú vía, dù sao thì cả nhà cũng sum họp cả rồi!

Mẹ không muốn cáu với con

0 comments

Bà mẹ nào cũng hiểu rằng không nên quát mắng con, vừa tốn năng lượng vừa không hiệu quả. Nhưng vấn đề là làm thế nào để mình giảm được cái sự quát con cơ. Không thể đơn giản nói rằng con cứ ngoan thì mẹ cần gì quát. Đôi khi, mẹ quát con mà không phải là quát con. Quát mắng con là để trút nỗi lòng nặng trĩu của mẹ vì ai đó, vì công việc, vì chính mẹ. Quát con là để ngăn chặn một mối nguy hiểm tức thời đang đến với con, khiến mẹ lo sợ và không có lựa chọn nào khác là la lên. Quát con là khi sự chịu đựng của mẹ đã đến giới hạn. Mẹ chỉ có vài tip nhỏ, chia sẻ với các mẹ khác để bớt quát con thôi.

- Sống có tổ chức: Nếu mà nhà cửa mình gọn gàng một tí, khung cảnh mát mắt một tí, giờ nào việc nấy đàng hoàng thì tâm trạng mình sẽ đỡ bức bối hẳn, giảm hẳn cái sự cáu bẳn. Nếu bạn muốn con dậy sớm thì đừng cho con thức khuya. Nếu sáng không muốn cáu vì tìm không ra quần áo, chìa khóa thì hãy để sẵn ra từ tối hôm trước hoặc cất các thứ vào đúng chỗ. Nếu hàng ngày bận quá thì cuối tuần giặt là 1 lần đủ dùng cả tuần đi. Bài vở của con thì ngày nào cũng kiểm tra và giúp con viết vào lịch để cho khỏi quên hạn nộp, không có cảnh nước đến chân cả nhà cùng nhảy.

- Take it easy: Đừng đòi hỏi cao quá, quy tắc quá mức thì cũng đỡ bực mình. Mình thường đặt 1 nồi cơm ăn cả ngày. Đi về muộn, con đói mà còn vo gạo nấu cơm rồi chờ chực thì bực mình lắm. Thức ăn cũng làm sẵn để tủ đá, tủ lạnh, chiều về là có cái ăn ngay. Có vẻ không được ngon bằng nấu nướng từ a-z phải không, nhưng chắc là tiết kiệm sức lực và thời gian hơn nhiều so với việc vừa đi làm về là đón con, chợ búa, cơm nước tối mặt tối mũi, làm sao không cáu được. Bát không rửa, nhà không lau 1 hôm không ai chết nhưng cứ phải cố làm chi li mọi việc trong khi người mình mệt mỏi rã rời thì không cáu mới là lạ.

- Loại bỏ bớt nguy cơ: Nếu bạn không muốn con vẽ lên tường thì đừng bao giờ để con tìm thấy cái bút nào trong nhà. Nếu bạn muốn các con đừng chọc ghẹo nhau thì đừng để chúng chơi với nhau mà không có người lớn hướng dẫn cẩn thận hoặc chơi cùng. Nếu bạn không muốn con nghịch phá trong bếp thì đừng để con vào bếp hoặc bạn khóa hết những ngăn, tủ nguy hiểm lại. Như thế thì bạn sẽ đỡ phải cáu

- Cảnh báo trước nguy cơ: Ai cũng biết không nên chuyện nọ xọ chuyện kia, giận cá chém thớt nhưng chúng mình là ai chứ, chỉ là con người bình thường thôi. Lúc nào thấy tâm trạng tồi tệ, hãy nói ra điều đó với con/chồng. Báo trước với con là Mẹ đang buồn/bực mình/cáu bẳn, con cố gắng ngoan nhé kẻo bị mẹ mắng oan. Khi tâm trạng đã qua thì nhớ "báo yên" cho cả nhà mừng. Kiki thường hỏi mình, mẹ đỡ buồn chưa, con ngoan thế đã tốt chưa?? nếu mẹ vẫn buồn con có thể ngoan thêm. Thành ra nhiều lúc mình cũng hơi lạm dụng cái vụ "báo động" này.

- Quan tâm hơn đến con: Kiki nhà mình có giai đoạn rất mong được mẹ mắng vì mắng cũng là biểu hiện mẹ để mắt tới chứ không thì mẹ bận quá, không có thời gian mà mắng nữa. Khi mình dành thêm thời gian chơi với con, bảo ban con, ngăn chặn từ sớm cái sự sai lầm của con, giúp con hình thành những thói quen tốt thì khó có cơ hội để mắng con lắm.

Sau cùng, nếu có phải mắng con thì mong các mẹ đừng bạ đâu nói đấy. Trẻ con nó nhạy cảm hơn mình tưởng rất nhiều. (Có nhiều điều mẹ nói từ khi nhỏ tí mình vẫn nhớ đến giờ, nhớ từng chi tiết, nhớ cả nét mặt, giọng nói của mẹ nữa.) Nên nếu giận con, các mẹ chỉ mắng cái tội cụ thể của con thôi chứ đừng đay nghiến, trì chiết hay nói những lời thiếu tôn trọng với con cái (mà thường là không phải với con, những lời như: lười như thằng bố mày, ăn hại như cả họ nhà mày... chẳng hạn). Mẹ mắng con là để thay đổi hành vi của con ngay lúc đó nên phải tập trung vào hành vi sai. Sau đó, khi bình tĩnh lại, mẹ mới giảng giải cho con điều đúng đắn, lúc này mới là giáo dục chứ cái lúc mắng không có giáo dục được gì mấy. Mắng con trước mặt người khác, nhất là trước bạn bè con khiến chúng phản ứng tiêu cực lắm ý. Mình thường lôi con vào toilet để mắng. Hihihi, không gian chật chội, không cần cao giọng đã thấy oang oang rồi, cảm giác lại riêng tư. Tiện nhất là mẹ mắng, con khóc, dỗi, nôn ói thì tiện dọn dẹp.

Em giận anh Kiki lắm!

0 comments

Wednesday, 1. October 2008, 13:27:48

Bố về muộn nên ba mẹ con mình ăn cơm trước với nhau cho đúng giờ. Khoản này, công nhận là mẹ giỏi. Mẹ muốn mọi thứ phải đúng giờ. Đúng giờ mẹ dọn bàn ra, đúng giờ mẹ dọn hết đồ ăn đi, ai không đúng giờ sẽ được "nghỉ cho khỏe". Thỉnh thoảng, mình mải xem tí TV hay mải viết nốt mấy dòng chữ nên bị muộn. Mẹ chẳng tỏ ra giận hay không hài lòng. Mẹ chỉ bảo ăn nhanh kẻo hết giờ mẹ dọn hết đi thì mình sẽ bị đói, thế thôi. Nhưng cứ nghĩ đến đói là mình khiếp lắm. Bữa cơm diễn ra trong bầu không khí thân mật thường lệ.

Bữa cơm diễn ra trong bầu không khí thân mật thường lệ. Em Sue khều khều mấy hạt cơm của em. Dạo này em ăn bằng đũa giỏi rồi. Em gắp cơm bằng đũa luôn. Cơm rơi vãi búa xua khắp nơi nơi nhưng mẹ bảo không phiền. Em cứ việc ngồi một chỗ tự ăn kiểu gì em muốn. Thỉnh thoảng mình chỉ cho em cách ăn đúng hoặc mẹ giúp em một miếng thôi. Em ấy điệu đàng, sạch sẽ nửa vời. Trong tầm tay em lúc nào cũng phải có một cái khăn giấy để em lau cái miệng loe loe kia bất kỳ khi nào em muốn. Ấy thế mà trên quần áo, áo đầu tóc em, trên bàn dưới đất, chỗ nào cũng thấy những cơm là cơm. Mình mà có làm vãi một hạt cơm thì em ấy cũng đòi lau bàn cho mình bằng được. Oái oăm thế!


Anh Kiki rõ là vụng. Anh ấy ăn bằng thìa mà vãi khắp nơi thế kia. Em chìa cho anh cái khăn giấy để lau bàn đi thì anh ấy lại lấy tay chọc thủng tờ giấy của em rồi vo viên đút nút nó lại. Tức không thể tả được. Em giận anh, giận anh. Thế mà mẹ chẳng hiểu, mẹ lại mắng em tại sao lại ném cục giấy vào bát cơm của anh. Em giận mà. Rốt cục mẹ cũng hiểu vì sao em rất cáu. Không cáu sao được khi người ta chỉ muốn giúp một đằng anh mình lại làm ra một nẻo. Tờ giấy ăn trắng trẻo, phẳng phiu của em thì anh đục thủng ra rồi lại vo viên lại thì làm sao lau bàn được nữa nào. Nỗi giận vỡ òa thành nước mắt và những lời nghẹn ngào: "Em chỉ muốn giúp thôi mà. Em giận anh Kiki lắm!". Ô hay, sao thấy em khóc mẹ lại toét ra cười thế. Híc híc, chắc tại em chưa nói được câu nào chuẩn như thế bao giờ.

Ông già và bầy chim

0 comments

Dạo này mẹ đi học. Ngày nào mẹ cũng phải đi qua một bến tàu nơi họp mặt của đủ loại người. Những bác làm việc tại những văn phòng lớn, hối hả vào thành phố trong những bộ quần áo bóng bẩy, những cặp táp đắt tiền, những tập tài liệu lớn trên tay, vừa đi vừa chúi mũi đọc. Những anh chị sinh viên ăn diện đủ các mốt tân thời. Những bà cụ già chống gậy hoặc đẩy xe, vừa cố rảo bước mà vẫn chậm vừa lầm bầm cằn nhằn điều gì đó. Những bạn nhỏ nằm thanh bình trong xe nôi mà bố mẹ bạn đang mệt mỏi nhưng đầy hạnh phúc đẩy đi. Ai cũng có vẻ thiếu thời gian. Chính vì thế mà mẹ nhận ra một người không vội vã. Sáng nào, ông cũng ngồi đó, có lẽ từ rất sớm, không cử động, trên tay cầm cuốn SITUATION, ấn phẩm về những mảnh đời bất hạnh, ấn phẩm mà tiền bán được dùng để giúp đỡ những người vô gia cư.

Ông già rồi. Thật khó đoán tuổi một người nghèo khổ mà mỗi lo toan đều hằn dấu trên gương mặt khắc khổ của họ, nhưng chắc chắn là ông già rồi. Bộ quần áo của ông ngay ngắn nhưng sờn cũ và già cả như chính ông vậy. Ông ngồi ở bến tàu, yên lặng và mệt mỏi. Tay ông cầm những cuốn sách mà việc bán được chúng chẳng mấy dễ dàng. Ngày nay, người ta dễ bỏ ra 69kr cho một cuốn tạp chí thời trang, hay 54kr cho một cuốn ô chữ hay sudoku hơn là 40kr để đọc về những mảnh đời bất hạnh. Mẹ cũng chỉ đọc lướt qua nó trong thư viện trong một lần tình cờ và chưa từng nghĩ đến việc mua nó bao giờ. Mẹ nghĩ có lẽ dễ dàng hơn là cho một người ăn mày 10kr thế là anh ta có ngay một cái bánh mì. Nhưng cho đến sáng nay, mẹ đã phải nghĩ khác.

Sáng nay, ông già không ngồi bất động, mệt mỏi như mọi khi. Khi mẹ đi qua, ông đang mê mải bẻ cho lũ chim bồ câu mẩu bánh tí tẹo. Mẹ nghĩ không phải ngày nào ông cũng có đủ bánh mỳ để ăn nhưng ông vẫn chia sẻ mẩu bánh tí tẹo của mình cho lũ chim cũng "vô gia cư" như ông. Cảnh tượng ấy làm mẹ xúc động bé con à. Có cái gì đó chua xót, ngọt ngào khiến mẹ xúc động. Có thể tại sáng nay trời se lạnh, cái lạnh đầu đông. Người ta hơi co vào trong những tấm áo ấm mới mua hay lấy từ trong tủ ra, cố giữ hơi ấm cho riêng mình, nghĩ về cái lạnh của mình. Còn ông, vẫn sờn cũ, già cả và cố chìa cho lũ chim hoang chút thức ăn để chống lại giá rét. Mẹ thấy mình bước về phía ông với 20kr. Mẹ nói với ông rằng mẹ không định mua cuốn tạp chí của ông nhưng mẹ muốn giúp ông với chút tiền. Ông cười thật hiền rồi cảm ơn mẹ nhưng không muốn nhận 20kr đó. Ông nói là ông không chọn cách ăn xin và càng không muốn "tư túi". Ông cũng nói với mẹ là hãy đọc SITUATION để hiểu hơn về những người như ông và cùng suy nghĩ, tìm cách giúp cải thiện đời sống của những người như ông hơn là chỉ cho họ vài đồng mỗi ngày đủ để mua bánh mỳ.

Đoàn tàu đến khi ông đang nói với mẹ về tâm trạng mệt mỏi chờ một kết cục. Mẹ vội chạy lên tàu với một cuốn Situation trên tay và nghĩ mãi về ông và bầy chim. Mẹ mong một kết thúc sáng sủa sẽ đến với ông chứ không phải là kết cục mà ông ám chỉ. Mẹ chưa biết mình sẽ làm gì cho ông và những người vô gia cư. Có lẽ, chúng mình sẽ đọc Situation mỗi tháng, con nhỉ?