Friday, April 11, 2008

Lên đường "du sản"

(Kỳ trước: Cố lên bé ơi!)



Sau khi đọc hai mươi mấy trang ký sự đi đẻ của các mẹ ở WTT, so sánh đối chiếu kinh nghiệm bản thân từ lần sinh trước, vợ chồng tôi quyết định lên đường "du sản". Từ lúc có em bé, "nhất trí thông qua" quyết định đến lúc cầm được vé máy bay trong tay cũng là lúc em Sue đã ở trong bụng mẹ được 28 tuần. Khốn nỗi, trông tôi cứ như là có thể đẻ rơi ra bất kỳ lúc nào với cái bụng to không lý giải nổi, thành ra nỗi ám ảnh thường trực đối với chúng tôi là, làm sao bê được em bé lên máy bay mà không bị phiền nhiễu gì đây?? Sau một hồi hỏi vòng quanh với các hãng hàng không khác nhau, chúng tôi chọn Air Thai và đi khám sức khoẻ tại Medical Practice Vạn Phúc. Chỗ này vừa gần nhà, vừa được chấp nhận như "một cơ sở y tế có uy tín" để cấp giấy chứng nhận đủ sức khoẻ bay cho bà bầu. Một tuần trước ngày lên đường, tôi ém trong hành lý không sót một thứ giấy tờ gì có thể cần đến cho hành trình "du sản" của mình.

Sân bay đây rồi. Tôi ý nhị dấu cái bụng của mình đằng sau một cái túi to. Ấy là tôi nghĩ thế chứ xem lại ảnh, nhìn tôi với cái túi và mớ áo quần trông thật kinh dị. Cô tiếp viên mặt đất nhìn tôi đầy hoài nghi. Cô soi lên, soi xuống tờ giấy chứng nhận sức khoẻ với cái bụng tôi, gọi vài cuộc điện thoại và kết luận: Chị phải chờ đại diện của chúng em tới. Có thể chị sẽ phải viết cam đoan. Cam đoan gì ta?? Rằng tôi sẽ không đẻ em Sue trên máy bay của họ??? Tôi không định làm thế. Tôi có cuộc hẹn với bác sỹ sản khoa của tôi ngay khi đến nơi rồi. Anh đại diện tới. A ha, người quen nhà mình. Cả nhà thở phào trút gần hai tạ hành lý lên băng chuyền. Bà bầu là tôi hùng dũng đi gần khít cái cửa kiểm tra an ninh. Không có Giấy cam đoan nào phải viết cả. Thế chứ!!!

Máy bay rất chật nhưng thật lạ, tôi thấy thoải mái suốt hành trình. Nếu như tôi rất khó chịu khi nằm xuống giường mỗi đêm thì tư thế ngủ ngồi trên máy bay lại làm tôi dễ thở. Mỗi khi tôi ấn nút gọi tiếp viên thì hầu như các cô ấy có mặt tức thì. Có lẽ họ ái ngại khi có trong chuyến bay một "quả bom nổ chậm" như tôi. Bạn tôi chờ sẵn từ tinh mơ ở sân bay. Ba người rưỡi và hai tạ hành lý xếp khít khìn khịt cái xe bốn chỗ.

Cuối cùng thì chúng tôi đã về đến nhà. Home sweet home. "Nhà" là một căn hộ ba phòng, trống trơn, mỗi khi cất tiếng nói, ta có thể nghe tiếng vang từ bốn bề vọng lại. Kiki đặc biệt thích thú với trò chơi echo và quên mất câu hỏi "con sẽ ngủ ở đâu" mà mẹ chưa có câu trả lời. Chồng tôi chạy vội đi mua một cái giường khi cửa hàng đầu tiên mở cửa. Thêm một cái đệm cho con trai và một cái nồi nữa, thế là đã có một "nhà". Chúng tôi đã có tuần lễ "du sản" đầu tiên trong những điều kiện tối thiểu như thế. Buổi tối, tôi đọc cho Kiki nghe về một bạn Sói con chờ đón em bé chào đời trong tiếng vang oang oang của phòng ngủ. Ban ngày, tôi đi mua sắm một chút, nấu nướng một chút và dành phần lớn thời gian để đưa con trai ra ngoài khám phá nơi ở mới. Chúng tôi đi tìm trường học, đi trượt tuyết, những bông tuyết cuối mùa. Có lần, tôi thấy mình mắc kẹt giữa một đám băng. Bước tiếp, có thể tôi sẽ ngã vì trơn trượt. Tôi đứng đó và hầu như đã khóc khi có một bàn tay mạnh mẽ đỡ khuỷu tay tôi và dìu tôi ra khỏi đám băng trơn nhẫy. Đó là anh chàng mà tôi thường lấy ví dụ cho Kiki về việc ăn mặc "hoàn toàn không chấp nhận được". Tôi tự lấy làm ân hận vì đã hồ đồ võ đoán một con người và gán ghép cho người ta đủ thứ tệ hại chỉ thông qua cách người ta ăn vận. Giờ thì tôi đã hiểu, đằng sau mái tóc ba màu dựng đứng như mào gà kia, đằng sau mớ quần áo xẻ không biết bao nhiêu mảnh kia, đằng sau những cái khuyên chằng chịt ở tai, mắt, mũi và miệng kia có thể là một trái tim nhân hậu, mềm yếu và hơi nổi loạn. Mẹ con tôi được những người như thế giúp đỡ hầu như mỗi ngày.

(Tiếp theo: Prima Liv)

No comments: