Friday, April 17, 2009

Mẹ không muốn cáu với con

Bà mẹ nào cũng hiểu rằng không nên quát mắng con, vừa tốn năng lượng vừa không hiệu quả. Nhưng vấn đề là làm thế nào để mình giảm được cái sự quát con cơ. Không thể đơn giản nói rằng con cứ ngoan thì mẹ cần gì quát. Đôi khi, mẹ quát con mà không phải là quát con. Quát mắng con là để trút nỗi lòng nặng trĩu của mẹ vì ai đó, vì công việc, vì chính mẹ. Quát con là để ngăn chặn một mối nguy hiểm tức thời đang đến với con, khiến mẹ lo sợ và không có lựa chọn nào khác là la lên. Quát con là khi sự chịu đựng của mẹ đã đến giới hạn. Mẹ chỉ có vài tip nhỏ, chia sẻ với các mẹ khác để bớt quát con thôi.

- Sống có tổ chức: Nếu mà nhà cửa mình gọn gàng một tí, khung cảnh mát mắt một tí, giờ nào việc nấy đàng hoàng thì tâm trạng mình sẽ đỡ bức bối hẳn, giảm hẳn cái sự cáu bẳn. Nếu bạn muốn con dậy sớm thì đừng cho con thức khuya. Nếu sáng không muốn cáu vì tìm không ra quần áo, chìa khóa thì hãy để sẵn ra từ tối hôm trước hoặc cất các thứ vào đúng chỗ. Nếu hàng ngày bận quá thì cuối tuần giặt là 1 lần đủ dùng cả tuần đi. Bài vở của con thì ngày nào cũng kiểm tra và giúp con viết vào lịch để cho khỏi quên hạn nộp, không có cảnh nước đến chân cả nhà cùng nhảy.

- Take it easy: Đừng đòi hỏi cao quá, quy tắc quá mức thì cũng đỡ bực mình. Mình thường đặt 1 nồi cơm ăn cả ngày. Đi về muộn, con đói mà còn vo gạo nấu cơm rồi chờ chực thì bực mình lắm. Thức ăn cũng làm sẵn để tủ đá, tủ lạnh, chiều về là có cái ăn ngay. Có vẻ không được ngon bằng nấu nướng từ a-z phải không, nhưng chắc là tiết kiệm sức lực và thời gian hơn nhiều so với việc vừa đi làm về là đón con, chợ búa, cơm nước tối mặt tối mũi, làm sao không cáu được. Bát không rửa, nhà không lau 1 hôm không ai chết nhưng cứ phải cố làm chi li mọi việc trong khi người mình mệt mỏi rã rời thì không cáu mới là lạ.

- Loại bỏ bớt nguy cơ: Nếu bạn không muốn con vẽ lên tường thì đừng bao giờ để con tìm thấy cái bút nào trong nhà. Nếu bạn muốn các con đừng chọc ghẹo nhau thì đừng để chúng chơi với nhau mà không có người lớn hướng dẫn cẩn thận hoặc chơi cùng. Nếu bạn không muốn con nghịch phá trong bếp thì đừng để con vào bếp hoặc bạn khóa hết những ngăn, tủ nguy hiểm lại. Như thế thì bạn sẽ đỡ phải cáu

- Cảnh báo trước nguy cơ: Ai cũng biết không nên chuyện nọ xọ chuyện kia, giận cá chém thớt nhưng chúng mình là ai chứ, chỉ là con người bình thường thôi. Lúc nào thấy tâm trạng tồi tệ, hãy nói ra điều đó với con/chồng. Báo trước với con là Mẹ đang buồn/bực mình/cáu bẳn, con cố gắng ngoan nhé kẻo bị mẹ mắng oan. Khi tâm trạng đã qua thì nhớ "báo yên" cho cả nhà mừng. Kiki thường hỏi mình, mẹ đỡ buồn chưa, con ngoan thế đã tốt chưa?? nếu mẹ vẫn buồn con có thể ngoan thêm. Thành ra nhiều lúc mình cũng hơi lạm dụng cái vụ "báo động" này.

- Quan tâm hơn đến con: Kiki nhà mình có giai đoạn rất mong được mẹ mắng vì mắng cũng là biểu hiện mẹ để mắt tới chứ không thì mẹ bận quá, không có thời gian mà mắng nữa. Khi mình dành thêm thời gian chơi với con, bảo ban con, ngăn chặn từ sớm cái sự sai lầm của con, giúp con hình thành những thói quen tốt thì khó có cơ hội để mắng con lắm.

Sau cùng, nếu có phải mắng con thì mong các mẹ đừng bạ đâu nói đấy. Trẻ con nó nhạy cảm hơn mình tưởng rất nhiều. (Có nhiều điều mẹ nói từ khi nhỏ tí mình vẫn nhớ đến giờ, nhớ từng chi tiết, nhớ cả nét mặt, giọng nói của mẹ nữa.) Nên nếu giận con, các mẹ chỉ mắng cái tội cụ thể của con thôi chứ đừng đay nghiến, trì chiết hay nói những lời thiếu tôn trọng với con cái (mà thường là không phải với con, những lời như: lười như thằng bố mày, ăn hại như cả họ nhà mày... chẳng hạn). Mẹ mắng con là để thay đổi hành vi của con ngay lúc đó nên phải tập trung vào hành vi sai. Sau đó, khi bình tĩnh lại, mẹ mới giảng giải cho con điều đúng đắn, lúc này mới là giáo dục chứ cái lúc mắng không có giáo dục được gì mấy. Mắng con trước mặt người khác, nhất là trước bạn bè con khiến chúng phản ứng tiêu cực lắm ý. Mình thường lôi con vào toilet để mắng. Hihihi, không gian chật chội, không cần cao giọng đã thấy oang oang rồi, cảm giác lại riêng tư. Tiện nhất là mẹ mắng, con khóc, dỗi, nôn ói thì tiện dọn dẹp.

No comments: