Friday, April 17, 2009

Cái vòi nước lạnh

1 comments

Giáng sinh, con sang đón Noel cùng em giữa trung tâm châu Âu. Đường ống nước nóng trong bếp của em bị hỏng. Chị em loay hoay nấu ăn, rửa ráy bằng cái vòi nước lạnh. Lâu quá rồi con không rửa rau vo gạo bằng nước lạnh. Ở chỗ con, cứ vặn vòi là vô vàn nước nóng xối xả chảy. Bên em tuy không tự động thế nhưng nhà nào cũng có bình đun nước nóng. Cái lạnh tê cóng của vòi nước lạnh làm con nhớ mẹ, nhớ những ngày ở C2 Kim Liên. Cả dãy nhà tập thể chung nhau cái vòi nước dưới sân. Chiều chiều, hàng dãy xô, chậu, thùng được huy động xuống xếp một hàng dài. Các nhà í ới gọi nhau đi hứng nước cho đủ thứ nhu cầu hàng ngày. Vòi nước công cộng là nơi các mẹ, các cô chuẩn bị rửa rau vo gạo, giặt giũ và nói đủ thứ chuyện. Người đàn ông nào galant trong khu lập tức được nhận diện ngay. Các bác, các chú ấy sẽ giúp vợ xách nước, giặt đồ hay rửa bát. Một việc làm tốt lập tức được cả khu tập thể biểu dương.

Con nhớ những ngày mùa đông, mẹ giặt cả chậu đồ thật to dưới vòi nước. Nước rất lạnh và tay mẹ đỏ ửng lên. Con chẳng giúp được mẹ, chỉ mải mê nghịch những cái bong bóng xà phòng. Con nhớ bàn tay mẹ cũng đỏ ửng lên mỗi dịp Tết đến. Năm nào nhà mình cũng gói bánh chưng, rất nhiều bánh chưng, cho cả mấy nhà. Mẹ rửa cả trăm tàu lá dong, đãi hàng rổ đỗ. Thời đó đâu có đỗ xanh cà vỏ. Đỗ xanh hạt mua ngoài chợ phải đem đi xay vỡ rồi phải ngâm cả đêm để sớm mai mẹ dậy sớm đãi đỗ, vo gạo, gói bánh. Cái vòi nước là nơi mẹ nói chuyện với các bác các cô về giá cả gạo nước leo thang mỗi khi tết đến.

Nhà mình sang nhà mới. Bố bảo cả nhà chỉ cần chung nhau 1 bình nước nóng trong một nhà tắm nhưng phải có riêng bình nước nóng ở bếp cho mẹ rửa ráy, chấm dứt những ngày mẹ ngâm tay trong nước lạnh. Nhưng con biết, mẹ vẫn tiết kiệm không bật cái bình nước nóng ấy thường xuyên. Giờ thì có công nghệ nước nóng đun bằng năng lượng mặt trời, mẹ đã có nước nóng thoải mái dùng (hoặc chí ít cũng đủ tan giá mùa đông), con thì vẫn nhớ về vòi nước lạnh của mẹ.

Sang em, ngâm tay trong cái vòi nước lạnh, cảm nhận cái đau tê tái ở bàn tay bởi cái giá buốt của nước, con lại nhớ những ngày cũ, mẹ lúc nào cũng có bàn tay đỏ ửng mùa đông.

Cáu ư? Xin mời!

0 comments

Mẹ rất thích chương trình rèn luyện kỹ năng xã hội và biểu cảm ở trường Kiki. Các con được học cái này nhiều hơn cả học toán và ngôn ngữ trong năm đầu đi học. Kiki rất hăng hái học SET vì con thấy học cái này thật dễ và vui. Hơn nữa, con có thể xài ngay những gì đã học ở lớp vào cuộc sống hàng ngày khiến có các buổi học lại càng thú vị vì có thêm nhiều ví dụ hay từ cuộc sống của con.

Mẹ ghi lại việc học SET của con, bắt đầu từ một cảm xúc không vui tí nào: CÁU

1. Cáu giận là gì?
Cáu giận là một cảm xúc như mọi cảm xúc vui, buồn, sợ hãi, phấn khởi... khác. Không có gì sai khi ta cáu giận.

2. Khi cáu giận ta cảm thấy thế nào?
Phần này bọn trẻ tự trả lời. Kiki nói là thấy mệt mỏi, thấy khó chịu trong người, thấy chân tay bồn chồn, thấy "đầu bị làm sao", thấy đau bụng.

3. Khi cáu giận ta thường làm gì?
Phần này bọn trẻ cũng tự trả lời. Kiki bảo là Kiki nói to, đóng cửa, muốn bỏ đi, muốn đấm đá. Có bạn khác thì bảo thích húc đầu vào tường hoặc đập phá đồ đạc, muốn bỏ lên bắc cực sống...

4. Khi ta cáu giận, phản ứng của những người xung quanh thế nào?
Phần này bọn trẻ cũng tự trả lời. Ở lớp Kiki, có nhiều bạn nói là khi chúng cáu giận, bố mẹ rất sợ hãi Thường là chúng biết những người xung quanh có thái độ không hài lòng. Bố mẹ cũng trở nên giận dữ. Anh chị em trong nhà giận dữ theo, hoặc là khóc lóc. Có một số bố mẹ hoàn toàn làm ngơ khi con cáu giận. Một số bố mẹ khác thì hỏi han. Các ông bà già thì thường tìm cách dỗ một đứa trẻ cáu giận Nói chung là mọi người không thích một bạn nhỏ cáu kỉnh và tình trạng thường xấu đi khi ta cáu.

5. Cái gì khiến ta nổi cáu
(Bọn trẻ con cũng tự trả lời) Kiki nói là phát cáu lên khi mọi thứ không đúng kế hoạch (ai đó hứa cái gì mà không làm, mọi thứ không đúng như anh chàng mong muốn, dự kiến...)

6. Làm thế nào để đỡ cáu
- Giải quyết nguyên nhân gây cáu
- Tránh các tình huống có thể dẫn đến cáu giận
Kiểm soát:
- Khi thấy sắp sửa cáu đến nơi (đèn vàng) thì phải tìm cách thay đổi tình thế ngay (ngừng ngay những việc có thể gây cáu).
- Thực hiện các biện pháp để hạn chế cáu giận (massage, hít thở, đếm nhẩm, đi dạo...)
- Nếu vẫn thấy cáu thì làm thêm một lần nữa các cách thức đó hoặc chuyển một cách khác
- Nếu vẫn cáu thì... cáu thôi

7. Khi cáu ta không làm gì?
- Không làm đau bản thân
- Không làm đau người khác (kể cả nói những lời làm đau người khác)
- Không đập phá đồ đạc (chúng không có lỗi)
- Không làm ảnh hưởng đến trật tự công cộng

Ta có thể
- Đấm vào gối
- Khóc
- Chạy ra chỗ nào rộng và thoáng (công viên, rừng...) để hét toáng lên (trước khi đi nhớ nói với bố mẹ, người lớn)
- Đi ngủ
- Tìm một chỗ riêng để ngồi, viết, vẽ...


Đấy, giờ thì ta đã biết hầu hết mọi thứ về cáu rồi. Nào, xin mời Cáu thoải mái thôi!!